Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu lao động: Chiêu lừa mới và chiếc bánh vẽ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thời gian gần đây, nhiều quốc gia “nhập khẩu” lao động (LĐ) cởi mở hơn trong tiếp nhận LĐ nước ngoài. Lợi dụng tình hình này, một số tổ chức, cá nhân đang dùng “chiêu” tuyển người đi làm việc ở nước ngoài với chi phí trọn gói và hứa hẹn hoàn lại tiền nếu LĐ không được xuất cảnh.

Thực tế, đây chỉ là cách lừa mới nhằm chiếm dụng vốn của người LĐ (NLĐ).
Việc nhẹ, lương cao?
Theo Trung tâm Quản lý LĐ ngoài nước, từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm VN đưa 80.000 LĐ đi làm việc trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong thời gian này, Bộ Công an cũng xử lý trên 5.000 hồ sơ khiếu nại của nạn nhân trong các đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ). Trong đó, nhiều doanh nghiệp (DN) không có chức năng XKLĐ cũng công khai tuyển người, nhiều cá nhân lập công ty để lừa đảo NLĐ nhẹ dạ, cả tin bằng chiếc bánh vẽ: chi phí rẻ, công việc đơn giản, lương cao.
Tận dụng mọi phương tiện: gửi thư điện tử, nhắn tin qua điện thoại, thậm chí quảng cáo công khai trên một số phương tiện thông tin đại chúng, nhiều đơn vị, cá nhân không ngần ngại “mời chào”: làm việc cắt cỏ, hái quả với lương 40 triệu đồng/tháng; làm nông, phục vụ tàu du lịch lương từ 20 triệu đồng/ tháng trở lên. Với một số công việc như thợ làm bánh, phục vụ nhà hàng, NLĐ còn được giới thiệu có thể định cư hoặc mang theo gia đình.. Tùy vào khả năng tài chính, nhu cầu và nguyện vọng xuất ngoại “cấp bách” hay không, NLĐ sẽ được tư vấn các gói dịch vụ với giấy tờ, hóa đơn đầy đủ dấu đỏ của công ty và bảo đảm hoàn trả phí khi có sự cố… Thậm chí chúng còn đưa chính những LĐXK đã hoàn tất hợp đồng về nước làm “bằng chứng sống” để dụ dỗ các con mồi mới.

LĐ đến tòa kiện một công ty XKLĐ về dịch vụ phí

Hiện nay, con đường nhập cảnh vào Thái Lan, Malaysia và Ma Cau (Trung Quốc) bằng hợp đồng ngắn hạn là phương thức “móc túi” NLĐ với số tiền lớn, kể cả LĐ phổ thông và LĐ trình độ cao. Một số khác được đưa qua Lào và Campuchia làm công việc thời vụ, sau đó hứa hẹn đi đến nước thứ ba theo nhu cầu hoặc đến các nước tương đối mới mẻ và ít thông tin với người Việt Nam như: Slovakia, Srilanka, Israel… với chi phí từ 1.000-5.000 usd/người.
Các DN XKLĐ đều cảnh báo, một số nhân viên của công ty XKLĐ làm đại diện ở các nước sau một thời gian thông thạo thị trường đã xin nghỉ việc và ra ngoài “đầu tư riêng” bằng cách chiếm dụng vốn của nhiều người theo con đường XKLĐ. Một số khác là LĐXK về nước đã quen quy trình thủ tục làm việc ở nước ngoài, lợi dụng niềm tin, lừa đảo người thân quen khi có nhu cầu đi LĐXK để chiếm dụng vốn. Mới đây Công an TP.HCM và Công an Hà Nội liên tục phá những vụ án lừa đảo XKLĐ, nhiều đối tượng là giám đốc, tổng giám đốc các công ty đã chiếm dụng hàng tỷ đồng/vụ việc. Ông Lê Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm XKLĐ thuộc công ty Tracimexco – Bộ Giao thông vận tải) nhận định: “Thị trường cởi mở thì các hình thức lừa đảo cũng phong phú và tinh vi hơn. Lời cảnh báo cho những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài là: dù có hợp đồng LĐ, đầy đủ giấy tờ vẫn phải đọc kỹ các điều khoản thỏa thuận, kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng, thậm chí nên nhờ luật sư tư vấn để tránh “tiền mất – tật mang”.
Đừng để trở thành con nợ
Các chuyên gia và Cục Quản lý LĐ ngoài nước luôn nhắc nhở DN chuyên ngành: “Không nên đưa LĐ đến các nước chưa có thỏa thuận hay hợp tác với VN. Trường hợp rủi ro, NLĐ rất khó được bảo vệ”. Đối với các nước có nhiều khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là sự hà khắc về khí hậu, tình hình chính trị không ổn định thì LĐ VN thường gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả, trong thời gian qua, khi VN thâm nhập vào thị trường mới thuộc các nước Trung Đông, tỷ lệ LĐ phải về nước giữa chừng rất cao (riêng các DN XKLĐ TP.HCM từ năm 2007 – tháng 6/2010, có 3.348 LĐ về nước trước hạn). Một thị trường gần với con số LĐ VN nhập khẩu có năm đạt 20.000 LĐ như Malaysia sau một thời gian ngắn cũng gần như bị “xóa sổ” và LĐ “lắc đầu” vì nhiều lý do. Sau thời gian dài NLĐ chịu gánh nặng chi phí dịch vụ cao ngất ngưởng (từ phí công khai đến dịch vụ “cò”), chấp nhận “mọi giá” để xuất ngoại, hiện nay, có nhiều cơ hội khi cánh cửa mở đi làm việc ở nhiều quốc gia, chi phí rẻ, NLĐ lại dễ rơi vào “chiêu” lừa mới. Bài toán thử nghiệm được DN XKLĐ đưa ra với con số thu nhập hấp dẫn song chỉ mang tính dự báo, thiếu cơ sở khoa học hoặc nằm trong những điều kiện khác biệt với nhiều chữ “nếu” (nếu tăng ca, nếu có nhiều việc, nếu DN tăng trưởng…).
Có hay không, công việc giản đơn – thu nhập cao ngất ngưởng? Ở một số nước, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thì thể trạng người VN rất khó chịu nổi. Những hợp đồng XKLĐ vì thế dù chi phí rẻ cũng thường “về nước trước thời hạn” vì lý do cá nhân, sức khỏe. NLĐ chủ yếu “vay vốn” xuất khẩu và hy vọng vào thu nhập cao, nếu không thực hiện được cam kết sẽ trở thành con nợ. Trường hợp hợp đồng thực hiện qua hình thức cá nhân với các công ty không có chức năng XKLĐ hoặc NLĐ hợp đồng đơn lẻ ra nước ngoài làm việc, thì mọi phí tổn đều dồn về phía NLĐ. Những chi phí được hoàn lại theo cam kết sẽ trở thành món nợ khó đòi.
Ông Đặng Quang Anh (chi nhánh TP.HCM của Công ty CPTM Châu Hưng) khuyến cáo: “Các nước đang dần khắc phục những khó khăn hỗ trợ LĐ nước ngoài bằng việc giảm tối đa thủ tục nhập cảnh. Thời điểm này, NLĐ có việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định đã là lý tưởng. NLĐ không nên ảo tưởng vào những việc đơn giản – thu nhập cao, nên chọn các công việc trong nhà máy, công xưởng, tránh công việc xây dựng, làm mộc hay việc nặng nhọc ngoài trời, tránh những vùng khí hậu khắc nghiệt và không làm việc qua các trung gian để tránh bị lừa”. 
Nguyễn Bay / Phụ Nữ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)