Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Siết tín dụng phi sản xuất: Doanh nghiệp nhỏ thêm khó vay

Tạp Chí Giáo Dục

Việc các doanh nghiệp nhỏ phải vay tiêu dùng để đáp ứng một số nhu cầu thanh toán ngắn hạn, hoặc sản xuất kinh doanh, diễn ra khá phổ biến, theo thừa nhận của nhiều lãnh đạo ngân hàng.

Việc ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết chặt tín dụng phi sản xuất (bao gồm tín dụng tiêu dùng) khiến cho cửa vay vốn ngân hàng của nhiều doanh nghiệp nhỏ càng khép chặt hơn.

Những doanh nghiệp sản xuất nhỏ hoặc hộ sản xuất nhỏ theo mô hình kinh tế gia đình thường khó vay được vốn từ ngân hàng. Ảnh: Lê Quang Nhật

Bà Lưu Hải Vân, Giám đốc kinh doanh một công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc, cho hay, sản phẩm thời trang công ty kinh doanh đang vào vụ giao mùa, cộng với tâm lý thắt lưng buộc bụng trước mối lo lạm phát tăng cao khiến doanh thu của công ty giảm, vốn liếng đọng trong kho hàng tồn.
Một số đối tác có thể cho trả chậm, nhưng lương công nhân đến ngày là phải thanh toán đầy đủ. Do vậy, nhiều khi chỉ một vài trăm triệu đồng mà doanh nghiệp cũng phải xoay xở khắp nơi. Bà Vân cho biết, do điều kiện vay vốn cho sản xuất quá khó, doanh nghiệp buộc phải xoay sang hình thức vay tiêu dùng, dù lãi suất cao hơn tới 3 – 4%/năm.
Tổng giám đốc ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) Trương Văn Phước cho biết, vốn vay tiêu dùng chiếm khoảng 18% trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng, tương ứng khoảng gần 1.200 tỉ đồng. Theo ông Phước, số doanh nghiệp buộc phải tiếp cận vốn dưới hình thức vay tiêu dùng không nhiều vì hạn mức rất nhỏ, chỉ từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Trong khi đó, Giám đốc một công ty tài chính tại Mê Linh, Hà Nội, cho hay, khách hàng vay vốn của họ chủ yếu là doanh nghiệp và chủ yếu dưới hình thức vay tiêu dùng, hạn mức từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng, đa số để thanh toán ngắn hạn. “Chúng tôi huy động lãi suất cao nên cũng phải cho vay cao, dù như vậy là rất rủi ro cho cả hai phía. Nhưng những doanh nghiệp này không thể tiếp cận vốn ngân hàng, mà cũng không thể để dòng tiền bị đứt đoạn”, vị giám đốc này nói và cho biết thêm, nhu cầu vay vẫn rất lớn, song công ty đã bắt đầu giảm tốc độ giải ngân theo chủ trương siết tín dụng nói chung, trong đó có tín dụng phi sản xuất mới đây của ngân hàng Nhà nước.
“Việc hạn chế cho vay tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất vì không tiêu thụ được. Cho vay tiêu dùng thực tế có phần là cho vay đối với các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ để sản xuất, nên việc hạn chế cho vay cũng tác động làm sản xuất giảm” Huỳnh Bửu Quang, giám đốc toàn quốc khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp HSBC Việt Nam
Nhưng ngay cả khoản vay này, nhiều ngân hàng hiện đã siết lại chặt hơn theo yêu cầu giảm tốc độ tăng tín dụng phi sản xuất mới đây của ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn, ngân hàng Á Châu (ACB) quy định, chỉ có cán bộ nhân viên nhà nước hoặc doanh nghiệp lớn có thu nhập sau khi trừ đi chi tiêu tối thiểu còn 6 triệu đồng/tháng trở lên mới được vay tiêu dùng tín chấp, hạn mức tối đa 300 triệu đồng, tương ứng tối đa tám tháng thu nhập.
“Vay tiêu dùng giờ khó hơn rồi”, cán bộ tín dụng ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) chi nhánh Ba Đình cho biết. Ngân hàng hiện chỉ cho vay tiêu dùng với trường hợp có hợp đồng mua bán như mua nhà, mua xe ôtô.
Nhiều doanh nghiệp xoay sang các công ty tài chính, nơi điều kiện vay vốn cởi mở hơn nhưng đồng nghĩa phải chấp nhận lãi suất cao hơn từ 2 – 3%/năm so với các ngân hàng. Chẳng hạn như công ty tài chính Prudential mời chào dịch vụ vay tiêu dùng tín chấp trả góp với hạn mức từ 60 triệu đồng tới 190 triệu đồng, song lãi suất xấp xỉ 23%.
Ngoài ra, khách hàng trả trước hạn còn chịu phạt từ 2 – 4% trên tổng số tiền còn lại. Như vậy, gánh nặng lãi suất của những doanh nghiệp nhỏ này càng thêm căng thẳng. Theo một nhân viên công ty tài chính, hiện có hàng trăm hồ sơ đang chờ được xét duyệt, trong đó không ít trường hợp khách vay là doanh nghiệp để thanh toán ngắn hạn.
Nguồn SGTT

Bình luận (0)