Từ giữa tháng 8, nhiều ngân hàng đã liên tục hạ lãi suất huy động. Nhưng trái với kỳ vọng của doanh nghiệp, lãi vay hầu như vẫn giữ nguyên. Đặc biệt, lãi vay trung và dài hạn vẫn cao.
Lãi suất cho vay trung dài hạn còn cao – Ảnh: Diệp Đức Minh
Đảo nợ để giảm lãi vay
Phó tổng giám đốc một công ty thủy sản tại TP.HCM cho biết khi triển khai xây dựng nhà máy dây chuyền chế biến thủy sản xuất đi Nhật trị giá khoảng 250 tỉ đồng, công ty vay vốn trung dài hạn từ ngân hàng (NH) với lãi suất 11,5%. Nhưng sau khi nhà máy đi vào hoạt động, công ty đã chuyển hợp đồng vay trung dài hạn qua ngắn hạn với lãi suất 8,5%/năm để giảm chi phí. Nhờ vậy, mỗi năm công ty tiết kiệm được gần chục tỉ đồng chi phí lãi vay. Nhưng để làm được điều này, trước đó công ty "gom nóng" để trả khoản vốn vay trung dài hạn rồi vay mới khoản vay ngắn hạn. Đây cũng là một hình thức đảo nợ mà nhiều doanh nghiệp (DN) thực hiện để giảm chi phí vốn vay.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng với mức lãi vay trung dài hạn 10 – 12%/năm thì các DN sẽ ngại vay đầu tư nhà máy, bởi sau khi đi vào hoạt động, sản lượng làm ra khó đủ để trả NH. Bởi trong điều kiện sức cầu hiện nay, doanh thu đủ hòa vốn cũng là khó rồi.
Đáng nói là trong khi lãi vay trung dài hạn cao như vậy thì lãi suất huy động từ giữa tháng 8 đến nay liên tục giảm. Lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 3 tháng chỉ còn từ 4,5 – 6%/năm, 6 – 12 tháng từ 5,5 – 7,8%/năm, trên 12 tháng 7,4 – 8%/năm. Trong khi lãi vay ngắn hạn mà nhiều NH đang áp dụng đối với sản xuất kinh doanh cũng từ 9 – 10%/năm, trung dài hạn từ 10,5 – 12%/năm.
Như vậy có thể thấy, khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn còn khá cao. Việc giảm lãi suất đầu vào gần như không có tác động gì đến việc giảm lãi vay như kỳ vọng của các DN.
Kiếm lợi "nhàn nhã"
Lý giải về việc lãi vay ngắn hạn thấp hơn trung – dài hạn, hầu hết các NH đều cho rằng, do tỷ lệ huy động tiền gửi ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao hơn so với huy động trung dài hạn, có NH lên đến 85%. Vì vậy, họ không thể cho vay trung dài hạn quá nhiều và đây cũng là lý do lãi vay khó giảm.
Nhưng điều này cũng cho thấy, NH huy động vốn có mức lãi suất thấp chiếm phần lớn và việc giữ lãi vay đứng im hiện nay cũng giúp họ có khoản thu chênh lệch cao. Thậm chí, với đầu vào rẻ, chỉ đổ vốn vào trái phiếu với lãi suất từ 5 – 6%/năm, NH cũng kiếm lợi "nhàn nhã". Tổng giám đốc một NH thừa nhận mua trái phiếu dù lợi tức 5 – 6%/năm nhưng an toàn, có thể đáp ứng thanh khoản bất cứ lúc nào. Còn cho DN vay trung dài hạn với lãi suất 10 – 12%/năm lại sợ vì các khoản vay kéo dài nhiều năm.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, ở nước ngoài mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay không thể nào lên đến 3 – 4%, ở mức 2 – 3% là cao quá. Trong khi mức chênh lệch ở VN thường lên tới 4 – 6%, thậm chí cao hơn.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, lãi vay cao cũng có mặt tiêu cực là có thể sẽ tăng nợ xấu cho NH. Trong bối cảnh hiện nay, việc gánh lãi quá cao rất có thể biến các khoản vay thành nợ xấu. TS Lê Thẩm Dương cho rằng, với lạm phát thấp như hiện nay, hoàn toàn có thể giảm lãi suất cho vay được. Đây là việc cần thiết để giúp các DN tiếp cận vốn với chi phí rẻ hơn.
Thanh Xuân
(TNO)
Bình luận (0)