Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Quy hoạch nông thôn mới còn nhiều vướng mắc

Tạp Chí Giáo Dục

Quá trình xây dựng nông thôn mới đã bước đầu đạt kết quả, giúp thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, tuy nhiên còn có nhiều bất cập trong văn bản hướng dẫn quá trình lập và triển khai quy hoạch, thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội… Đó là những vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức ngày 21/12 tại Hải Dương.

Bất cập từ văn bản hướng dẫn
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhiều địa phương đã thực hiện việc lập, duyệt và quản lý quy hoạch nông thôn mới. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tính đến hết tháng 5/2012 đã có 65% số xã hoàn thành quy hoạch chung, nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao như: Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi… giúp thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương, đặc biệt là các xã, còn lúng túng trong quá trình triển khai, chất lượng quy hoạch còn hạn chế.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định của phát luật. Tuy nhiên do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, có nhiều quy định không thống nhất, không phù hợp với thực tế nên ảnh hưởng đến chất lượng của quy hoạch như: Tiêu chí mỗi xã có một chợ chưa phù hợp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi; tiêu chí kiến trúc nhà ở nông thôn, công trình công cộng, bảo tồn di tích văn hóa, dân tộc phù hợp với từng vùng còn thiếu cụ thể, gây khó cho công tác quy hoạch… Việc đặt ra tiêu chí nhiều trong khi thời gian để hoàn thành thì ngắn nên gây áp lực cho các đơn vị thực hiện.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay kinh phí cho công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế chính sách đất đai khó tạo ra thương hiệu hàng hóa, thiếu cơ chế để các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào các dự án xây dựng nông thôn mới. Đại diện cho Thái Bình, một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Hồng Chương, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình cho biết: Khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Ở Thái Bình, theo tính toàn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới ở mỗi xã khoảng trung bình trên dưới 200 tỷ đồng. Trong 3 năm qua, Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí cho mỗi xã được khoảng 1,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1 tỷ đồng. Trong khi nguồn thu ngân sách của các xã nói chung còn khó khăn. Đây thực sự là thách thức lớn đối với các địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Lúng túng trong thực hiện
Theo đánh giá của Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì năng lực của các chủ thể tham gia quy hoạch, đơn vị trực tiếp lập quy hoạch là các công ty tư vấn cho đến cấp huyện phê duyệt còn hạn chế về tổ chức và trình độ. Năm 2010, trong 181.000 cán bộ cấp xã có 0,1% không biết chữ, 48% chưa qua đào tạo, 80% không biết sử dụng máy tính. Còn các công ty tư vấn còn kém năng lực, chủ yếu tập trung qui hoạch điểm dân cư tập trung…
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, chia sẻ: Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở Hải Dương còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quy hoạch xây dựng còn chậm, chất lượng quy hoạch thấp, chưa phối hợp tốt giữa các ngành chức năng. Nhiều xã đã có quy hoạch được phê duyệt thì chất lượng quy hoạch còn thấp, sớm bị lạc hậu. Quy hoạch chạy theo tiêu chí của Trung ương, chưa áp vào từng điều kiện của mỗi địa phương. Ngoài ra, tại nhiều địa phương đang diễn ra tình trạng lập bản quy hoạch cho có, rập khuôn, sao chép lại bản quy hoạch của nhau dẫn đến đi đến đâu cũng thấy một mô hình, một cách thực hiện.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Chương, nguyên GĐ Sở Xây dựng Thái Bình thì việc xây dựng nông thôn mới phải do chính những người dân sống trên mảnh đất của họ xây dựng nên, Nhà nước chỉ hỗ trợ cơ chế chính sách, một phần vốn, đồ án quy hoạch xây dựng phải do người dân cùng chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện nhưng hiện nay việc xây dựng nông thôn mới còn thiếu sự vào cuộc của người dân.
Trước thực tế, những bất cập trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, điều cần thiết là rà soát lại về quy hoạch phát triển nông thôn mới tại các địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để công cuộc xây dựng nông thôn mới có chiều sâu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng cần có nghiên cứu, điều chỉnh một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới vì nội dung một số tiêu chí quá cao, không sát với thực tế và khó thực hiện.
Trước những bất cập từ thực tế đã được các địa phương tổng kết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Bộ Xây dựng sẽ xem xét rà soát, thẩm định lại các qui hoạch để tránh tình trạng các địa phương sao chép lại các bản quy hoạch của nhau. Sắp tới Bộ Xây dựng sẽ có sự phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ NN & PTNN để thống nhất cách làm, thống nhất các tiêu chí để phù hợp với đặc thù, thực tiễn và các vùng, miền, giúp các xã có thể thực hiện được.

Thu Trang

(Báo Tin Tức)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)