Mặc dù gặt hái được những thành quả bước đầu, song các ngành công nghiệp trọng yếu đang có dấu hiệu tăng trưởng chững lại. Lối ra của một số lĩnh vực đang bế tắc. Do đó, cần một cơ chế đủ mạnh cho ngành công nghiệp trọng yếu để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.
Tăng dần tỷ trọng
Theo Sở Công thương TPHCM, tuy có nhiều khó khăn, thách thức, song bốn ngành công nghiệp trọng yếu vẫn đạt mức sản lượng năm sau cao hơn năm trước; duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Cơ cấu ngành có sự chuyển dịch tích cực, đúng định hướng. Tỷ trọng bốn ngành công nghiệp trọng yếu được giữ vững và có xu hướng tăng cao dần từ 50,7% (năm 2000) lên 53,5% (2005), đạt 57,4% (2010) và giữ mức 57,3% (năm 2012) trong công nghiệp thành phố.
Dệt may tại TPHCM giải quyết nhiều việc làm, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
Các ngành công nghiệp công nghệ cao bắt đầu tăng trưởng mạnh. Chỉ riêng trong năm 2012, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 63% so năm 2011; trong đó doanh thu phần mềm đạt 8.000 tỷ đồng, phần cứng đạt 78.000 tỷ đồng, tăng 90% so năm trước. Đặc biệt, doanh thu Nhà máy Intel Việt Nam đến tháng 10-2012 đạt trên 1,4 tỷ USD (28.112 tỷ đồng). Tại Khu Công nghệ cao, giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng mạnh qua các năm với mức đạt 53,8 triệu USD (năm 2007), 131 triệu USD (năm 2008), 259 triệu USD (năm 2009), 500 triệu USD (năm 2010) và 1.000 triệu USD (năm 2011). Các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ… được củng cố và phát triển theo hướng tăng tỷ trọng giá trị gia tăng trong sản phẩm, chuyển dịch sang các khâu thiết kế, tạo mẫu và các dòng sản phẩm cao cấp theo phân khúc thị trường. Sự phát triển ổn định của các ngành này đã giải quyết việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đẩy mạnh xuất khẩu. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và kinh tế thành phố. Khoảng cách tăng trưởng giữa giá trị gia tăng và giá trị sản xuất đang được rút ngắn dần.
Theo Phó Giám đốc thường trực Sở Công thương TPHCM Lê Văn Khoa, để đạt được kết quả trên, lãnh đạo thành phố đã luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, UBND TP nắm bắt và chỉ đạo sát sao thực hiện kịp thời nhiều biện pháp để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Đặc biệt, những khó khăn về vốn, lãi suất, cơ chế chính sách và thủ tục hành chính. Trong đó, tích cực hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình kích cầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, khuyến khích đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để triển khai các giải pháp hỗ trợ như: bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ giúp doanh nghiệp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.
Giá trị gia tăng thấp
Ông Lê Văn Khoa cho biết, dù đạt được những kết quả tích cực, song tốc độ phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu đang chậm dần, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch đúng hướng nhưng chưa cao và ngày càng khó khăn hơn. Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp tăng nhưng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công giảm nhưng vẫn còn cao.
Trong đó, sự phát triển nhanh theo chiều rộng của ngành công nghiệp trước đây đã tạo áp lực quá tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường. Nguồn vốn còn eo hẹp, nên chưa thể giải quyết tốt những vấn đề trên. Chất lượng tăng trưởng công nghiệp thành phố được cải thiện nhưng chưa cao, các ngành truyền thống như dệt may, da giày… vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong công nghiệp TP. Tốc độ tăng trưởng được duy trì nhưng thiếu ổn định và có xu hướng giảm dần; sức cầu thị trường suy giảm, tồn kho đang ở mức cao. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, sức cạnh tranh chưa cao; sản xuất công nghiệp thành phố còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn vật tư, nguyên liệu… nhập khẩu từ bên ngoài.
Để giải quyết những tồn tại trên, sau khi gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi với doanh nghiệp, Hiệp hội Ngành nghề, Sở Công thương đã có văn bản gửi các ban ngành kiến nghị cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt (khoanh nợ, giãn nợ…) nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Cho phép doanh nghiệp đóng lãi vay theo quý thay vì theo tháng như hiện nay và ban hành các quy định thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cho phép áp dụng trần lãi suất cho vay, kéo giảm lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh xuống dưới 10%/năm đối với VND, dưới 5% đối với USD. Áp dụng chính sách ưu đãi thuế theo hướng mở rộng đối tượng thay vì chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô dưới 200 lao động và doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm như hiện nay. Ngoài ra, có chính sách cụ thể, chi tiết về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đối với các dự án đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. Miễn, giảm tiền thuê đất có thời hạn cho các dự án thuộc các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên như: công nghệ cao, công nghiệp trọng yếu, công nghiệp phụ trợ. Thành lập một số cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cao su với quy mô diện tích vừa phải, phù hợp với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa.
LẠC PHONG (SGGP)
Bình luận (0)