Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt mất nhiều thời gian để “xử lý quan hệ”

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một số lĩnh vực nhạy cảm thì doanh nghiệp (DN) thường dùng quan hệ để thúc đẩy kinh doanh tốt hơn là tập trung vào quản trị và công nghệ, chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói tại buổi họp báo trước Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chiều 26.11 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp còn phải lo xử lý "quan hệ tâm linh". Ảnh: Trần Việt Đức

Ông Lộc khẳng định, một trong các nguyên nhân khiến năng lực quản trị của DN Việt Nam kém là môi trường kinh doanh, “thời gian vừa qua môi trường chưa thực sự khuyến khích DN chú trọng vào quản trị và công nghệ. Các DN dành thời gian để xử lý quan hệ nhiều hơn là tập trung vào đổi mới quản trị và công nghệ”.

Do đó, ông Lộc kiến nghị, Chính phủ cần có chương trình tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Các DN không biết tái cấu trúc thế nào, nâng cao quản trị là thế nào, cần được tiếp thêm nguồn lực từ Nhà nước.

Với tư cách đồng chủ tịch liên minh VBF, ông Vũ Tiến Lộc một lần nữa nêu thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn khó khăn và sẽ tiếp tục khó khăn. Khó khăn toàn diện với các DN lớn, nhỏ, Nhà nước và tư nhân. Riêng DN FDI đỡ khó hơn, nhờ có năng lực cạnh tranh của FDI tốt hơn. DN Việt Nam có thể trụ vững thì không nhiều, chủ yếu là những DN chú trọng quản trị và năng lực cạnh tranh, và thường là DN vừa và nhỏ. “Việt Nam có một hiện tượng là năng lực cạnh tranh tỷ lệ nghịch với quy mô”, ông Lộc nói.

Bởi thế, một trong những mục tiêu chính của VBF lần này (diễn ra vào ngày 3.12), là lấy lại niềm tin cho DN, xác định lại hướng đi cho DN và cho nền kinh tế. Vừa qua, các định hướng về tái cấu trúc chậm triển khai so với yêu cầu vì thiếu quyết tâm chính trị, động lực, lộ trình và các giải pháp cụ thể.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, sắp tới cần tạo môi trường minh bạch, dễ tiên liệu cho DN. Đặc biệt, việc cải cách DN Nhà nước phải là trung tâm của cải cách, để lấy lại niềm tin và định hướng cho DN. Thời gian qua, tái cơ cấu DNNN chậm và có hiện tượng thụt lùi.

Bên cạnh đó, việc ứng cứu như giải quyết tồn kho, nợ xấu, giảm thuế …không dành cho tất cả các DN, mà chỉ tập trung vào các DN có tiềm năng về năng lực cạnh tranh và đang gặp khó khăn tạm thời. “Nếu chính sách dàn trải thì càng khó khăn, không phải chính sách đúng”, ông Lộc nói.

Chất lượng trả lời của bộ, ngành là một thách thức

Trước câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị về việc các đại diện bộ, ngành trả lời các DN tại các kỳ VBF trước không sâu và “gây thất vọng”, ông Alain Cany, nguyên chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, đồng chủ tịch Liên minh VBF nói ông “đồng tình với cảm nhận này”. Và đó là một thách thức mà VBF phải đối diện. Trong 10 năm ông tham gia VBF thì “có bộ có cải tiến, có bộ không có cải thiện gì”.

Và để khắc phục điều đó, ông Cany cho rằng cần phải có đối thoại chặt chẽ hơn giữa DN và các cơ quan Chính phủ, và ông hy vọng sẽ có động lực mới trong kỳ VBF này.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, VBF cũng sẽ họp trước mỗi kỳ Quốc hội để đưa ra các đề xuất kịp thời.

Diễn đàn VBF sắp tới sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về ngân hàng và thị trường vốn của Việt Nam, tập trung về nợ xấu, sở hữu chéo, cổ đông lớn….Ngoài ra, 15 hiệp hội trong và ngoài nước thành viên của VBF và các cơ quan Chính phủ sẽ bàn về đầu tư và thương mại (gồm cả bất động sản); cơ sở hạ tầng (điện, cảng biển), công nghiệp ô tô xe máy và du lịch.

Điểm khác biệt lớn nhất của VBF năm nay là sự hoán đổi vị trí, mọi năm Chính phủ mời các DN đến để đối thoại, còn lần này, các DN mời cơ quan Chính phủ đến đối thoại. Đây là lần đầu tiên VBF được tổ chức bởi liên minh VBF sau khi nhận chuyển giao từ tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), một thành viên thuộc WB, hồi tháng 2.2012.

M.Quân – V.Anh

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Bình luận (0)