Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam: Nơi tôn vinh những người yêu Kiều

Tạp Chí Giáo Dục

Một trích đoạn cải lương Kim Vân Kiều. Ảnh: T.Hiệp

Ngày 3-11, tại Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội (ĐH) thành lập Hội Kiều học Việt Nam. Ông Lê Xuân Lít, thành viên Ban vận động của hội đã trao đổi với Giáo Dục TP.HCM xung quanh sự kiện quan trọng này. Ông Lít cho biết: “Qua hai năm tập hợp lực lượng, đến nay hội đã có trên 350 hội viên gồm các nhà nghiên cứu về Kiều, những người có năng khiếu văn chương yêu thích Truyện Kiều. Ngày 20-5-2010, Bộ VHTTDL ký quyết định thành lập Ban vận động. Đến ngày 14-7-2011, Bộ Nội vụ ký quyết định cho phép thành lập Hội Kiều học Việt Nam, sau khi xem xét các ý kiến của các cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo TW, Hội Nhà văn, Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội… điều lệ và hoạt động của hội đã được các cơ quan thông qua góp ý kiến.
PV: Thưa ông, vì sao lại chọn thời điểm này để hội ra đời?
Có rất nhiều nguyên nhân. Căn cứ thực tế hiện nay, giới trẻ xa dần với văn học viết, nhất là văn học của cha ông ngày xưa. Truyện Kiều là một tác phẩm ưu tú vào bậc nhất của dân tộc ta. Nguyễn Du được nhân loại vinh danh là danh nhân thế giới. Từ điển các tác phẩm của mọi thời đại, mọi xứ sở xuất bản tại Paris (1953) có viết: “Hẳn rằng trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại, chưa hề hoặc hiếm có một tác phẩm nào lại rất đỗi thân quen và sống mãi với nhân gian như Truyện Kiều”. Thứ hai là chúng ta không có quyền để mất đi những thành tựu văn hóa lớn của dân tộc. Một dân tộc có sức mạnh là một dân tộc có một nền văn hóa với bản sắc của dân tộc mình.
Được biết, Hội Kiều học Việt Nam ra đời nhằm hai mục đích?
Đúng vậy, Hội Kiều học Việt Nam ra đời nhằm tìm hiểu đánh giá sự độc đáo, những tinh hoa về nội dung, nghệ thuật của Truyện Kiều; Gìn giữ và phổ cập cho thế hệ trẻ ngày nay và mai sau.
Vì vậy, sắp tới hội đề ra một số công việc như: tổ chức hai cuộc thi đi tìm chân dung Thúy Kiều và bình Kiều. Hội sẽ mời các thầy cô giáo các cấp, nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ, HSSV các cấp tham gia. Cuộc thi đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo quần chúng lựa chọn.
Như vậy, Hội Kiều học sẽ làm dấy lên phong trào đọc và tìm hiểu Truyện Kiều, thưa ông?
Về mặt khoa học, hội sẽ tập hợp tất cả các bản Kiều nôm, quốc ngữ, các tác phẩm nghiên cứu về Truyện Kiều. Hội sẽ thành lập Hội đồng khoa học gồm tất cả các GS, các nhà nghiên cứu để đánh giá và hướng dẫn bạn đọc.
Vậy ĐH lần này sẽ giải quyết những vấn đề gì, thưa ông?
ĐH lần này sẽ bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch, ban kiểm tra, ban chấp hành hội.
Mới thành lập, chắc chắn hội sẽ có nhiều khó khăn?
Đúng là hội có nhiều khó khăn. Hiện nay, hội chưa được sự bảo trợ của Nhà nước nên phải tự lo về kinh phí. Hội rất mong sự giúp đỡ của các cá nhân trong và ngoài nước. Dù mới thành lập, nhưng có thể nói, đã có những nhà hảo tâm giúp đỡ như ông Nguyễn Thành Nam đã ủng hộ 50 triệu. Chúng tôi cũng rất xúc động khi được ông Hoàng Xuân Khóa, cháu của GS. Hoàng Xuân Hãn đi từ Hải Phòng lên Hà Nội để ủng hộ hội 5 triệu đồng.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Bình luận (0)