Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Lỗ hổng”văn hóa dân gian

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh chơi trò chơi dân gian như thế này ngày càng hiếm. Ảnh: N.HẢI

Sự xuất hiện và phát triển ồ ạt của những game mang tính bạo lực đã làm cho kho tàng trò chơi dân gian mang đậm tính nhân văn và truyền thống dân tộc đang ngày càng mai một dần.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân khách quan đẩy trẻ em thành phố ra xa dần các trò chơi dân gian là do các em không có nhiều không gian sinh hoạt chung, sân chơi trong trường học cũng bị thu hẹp vì quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, thời gian sau khi từ trường về, các em phải tham gia các lớp học thêm nên không có điều kiện để khám phá điều thú vị của những trò chơi mang tính dân gian như kéo co, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, nhảy sạp, ô quan…
Chị Nguyễn Ái Phương, phụ huynh em Trần Công Trọng, Trường THCS Tản Đà (Q.5, TP.HCM) cho biết: “Tôi rất muốn cho con đến Nhà Văn hóa Thiếu nhi tham gia các trò chơi dân gian, nhưng những sân chơi bổ ích như vậy gần như vắng bóng. Hiện giờ, ngoài các lớp học đàn, vẽ, hát và một vài lớp năng khiếu, bọn trẻ chẳng còn gì để tham gia khi rảnh rỗi”.
Trò chơi dân gian ở nước ta có đặc điểm là dễ chơi, giàu tính trí tuệ và không tốn kém. Nhiều trò chơi còn góp phần giúp trẻ phát triển tư duy, nâng cao sự dẻo dai, khéo léo của cơ thể như đập niêu, ô quan, cờ nhảy… Nhưng khi mà xung quanh có biết bao món đồ chơi đẹp mắt, hiện đại như siêu nhân, ô tô, máy bay điều khiển từ xa… thì các món đồ chơi dân gian như tò he, diều giấy, cào cào lá tre… đang mất dần chỗ đứng trong đời sống của trẻ em đô thị.
Một giáo viên của Trường THCS Trần Quốc Toản (Q.9) nhận định: “Thật khó để một em học sinh suốt ngày dán mắt vào màn hình vi tính chơi game có được những kỹ năng sống như các bạn đồng trang lứa thường xuyên tham gia những trò chơi dân gian như: đánh cờ, chơi ô quan hay vẽ tranh. Bởi khi tập trung đầu óc vào game trên thế giới ảo, các em không có điều kiện thể hiện tư duy và cách ứng xử với tình huống thật”. Vì thế, nhằm hạn chế những tác dụng và hệ lụy của game, đa phần các giáo viên đều cho rằng, trường học cần tổ chức lại hệ thống trò chơi dân gian cho học sinh trong những thời điểm thích hợp.
Theo nghiên cứu và đánh giá của nhiều nhà văn hóa học, các trò dân gian góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người. Vì vậy, để có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhà trường và xã hội nên tổ chức, phổ biến để các em học sinh được tiếp cận ngày càng nhiều với những trò chơi dân gian bởi đây không chỉ là phương thức giải trí lành mạnh mà còn góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.
Thái Khuê

Bình luận (0)