Gần 90% lượng nhập siêu trong ngành cơ khí là từ Trung Quốc, trong khi nhiều mặt hàng trong số này doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được từ lâu. Nguyên nhân, vướng các quy định trong Luật Đấu thầu.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất trong công tác đấu thầu, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 28-9. Đến nỗi, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ phải bày tỏ mong muốn các chủ đầu tư ủng hộ doanh nghiệp cơ khí trong nước.
Theo ông Thụ, chủ đầu tư Việt Nam nghèo nhưng lại hay chơi sang. Có những công trình hoàn toàn vay vốn trong nước vẫn sử dụng nhà thầu ngoại làm EPC (thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị xây lắp).
Ông dẫn chứng việc đầu tư nhà máy xi măng Đồng Bành là một ví dụ điển hình của việc doanh nghiệp nhà nước “quay lưng” với các doanh nghiệp cơ khí nội. Đáng lý phải tự chế tạo thiết bị, nhưng lại giao thầu toàn bộ cho nhà thầu Trung Quốc. Hay như năm 2007, toàn bộ thiết bị các nhà máy xi măng ở Ninh Bình cũng là của Trung Quốc. Trong khi, thiết bị đó Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được.
Cũng theo tính toán của ông Thụ, với 20 công trình nhiệt điện đang thực hiện theo cơ chế EPC do các nhà thầu nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc thực hiện với tổng giá trị khoảng 20 tỷ USD, các doanh nghiệp nội hầu như bị hất ra rìa.
“Chúng ta để cho các nhà thầu nước ngoài đem từ con bu lông đến nhân công lao động sang làm, trong khi người lao động Việt Nam đứng ngoài” – Ông Thụ nói. Theo ông Thụ, nếu để tình trạng EPC như hiện nay thì đừng phát triển ngành cơ khí nữa.
Cần sửa Luật Đấu thầu
Theo ông Lưu Hoàng Long, Tổng giám đốc Tổng Cty Điện tử và Tin học Việt Nam, cũng phải sòng phẳng thừa nhận việc giao tổng thầu trong nước đôi khi không kiểm soát được. Nhiều nhà thầu trong nước sau khi trúng thầu đã bán thầu, nhất là trong các gói thầu EPC.
Ông Trần Anh Thái, Phó giám đốc Cty TNHH ứng dụng ATS cho rằng, Luật Đấu thầu hiện nay khó cho các doanh nghiệp trong nước vì không cạnh tranh được với giá rẻ. Ngoài ra, cần ban hành tiêu chí cụ thể hàng sản xuất trong nước phải đáp ứng bao nhiêu phần trăm là nội địa hóa chứ không phải mua ngoài về dán tem thành hàng nội địa rồi bán ra thị trường.
Các tập đoàn, tổng Cty dùng vốn Nhà nước phải có cơ chế cứng để mang đơn hàng cho doanh nghiệp trong nước. Tại sao không đàm phán điều khoản để doanh nghiệp nội làm thầu phụ cho những gói công việc chúng ta có thể làm được?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng, tới đây cần đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu. Ông Quang cũng thừa nhận ngành cơ khí trong nước thời gian qua chưa phát triển. Nhiều nhà sản xuất trong nước chỉ làm gia công cơ khí đơn giản, còn lại là nhập khẩu về lắp ráp. Những loại máy móc này tuy có giá thành cạnh tranh nhưng tính đồng bộ không cao, khó đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư.
Phạm Tuyên / TPO
Bình luận (0)