Nhiều doanh nhân Việt kiều đang muốn kết nối với doanh nghiệp trong nước để đưa hàng vào các thị trường nước ngoài.
Bên lề Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai hôm 28-9 tại TPHCM, ông Ngô Hùng Lâm, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam ở Nhật Bản, cho biết ông muốn kết nối với doanh nghiệp trong nước để đưa hàng Việt Nam sang một số siêu thị tại Nhật Bản từ tháng 5-2013.
Ông Lâm cho biết đang cùng với một số người khác thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt – Nhật, chính thức ra mắt vào tháng 2-2013. Sau khi thành lập, hiệp hội sẽ thực hiện các dự án đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, hiệp hội sẽ bảo trợ dự án xây dựng Trung tâm thương mại Việt Nam tại Nhật Bản (trụ sở thuộc tỉnh Chiba) để làm nơi trưng bày, cung cấp các mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam cho các nhà buôn Nhật Bản. Tuy nhiên, dự án này dự kiến thực hiện trong 10 năm, hoàn thành vào năm 2023.
Tại hội nghị, ông David Huy Hồ, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân Việt Nam ở Mỹ, cho biết, hiện đã có Trung tâm thương mại Việt Nam tại Mỹ (VBC) đặt tại thành phố Baltimore, bang Maryland. Theo ông David Huy Hồ, trung tâm này sẽ là điểm dừng chân cho doanh nghiệp Việt Nam đến tìm hiểu thị trường Mỹ.
Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đang trao đổi bên lề hội nghị hôm 28-9 tại TPHCM. Ảnh: Thu Nguyệt
Ông David Huy Hồ cho biết thêm, Chi hội doanh nhân Việt Nam tại Mỹ sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp muốn kết nối với các công ty Mỹ, và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam muốn mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại Mỹ.
Cụ thể, chi hội có thể hỗ trợ một số chi phí, như một nửa tiền thuê văn phòng, cũng như chỗ ăn, ở cho doanh nghiệp Việt Nam qua Mỹ để tìm cơ hội xuất khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ chi nhánh của hội tại TPHCM.
Ngoài ra, vào mùa hè năm 2013, chi hội sẽ tổ chức hội chợ triển lãm, quảng bá hàng Việt Nam cho thị trường Mỹ, và mời các doanh nghiệp Việt Nam sang thăm dò thị trường Mỹ.
Để xúc tiến đưa hàng Việt Nam vào thị trường CH Séc, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại nước này cũng phối hợp với cơ quan Việt Nam, và hiệp hội, công ty của Séc để mở hội thảo và hội chợ triển lãm trong thời gian tới. Đối với thị trường Nga, dự kiến năm tới, trung tâm thương mại – văn hóa – du lịch Hà Nội – Moscow sẽ hoạt động tại Nga.
Tại sao hàng Việt Nam “lép vế” ở nước ngoài Không hợp thị hiếu Ông Ngô Hùng Lâm (Việt kiều Nhật Bản), cho biết đã từng tham gia nhiều triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tại Nhật Bản, hay giúp kết nối các nhà buôn Nhật Bản với phía Việt Nam. Đây là cách tiếp cận thị trường phổ biến mà các công ty Việt Nam hiện nay đang thực hiện. “Qua những sự kiện đó, tôi nhận thấy hàng Việt Nam dù đẹp, tốt, giá cả cạnh tranh, được những nhà buôn mua về bán tại Nhật Bản, nhưng cuối cùng cũng không được khách hàng bản địa chấp nhận”, ông Lâm cho biết. Theo ông Lâm, đó là do sự khác biệt về văn hóa và thẩm mỹ. Người sản xuất ở Việt Nam không có điều kiện tìm hiểu, nên sản phẩm làm ra chỉ phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Còn các nhà buôn nước ngoài thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nếu sản phẩm về bán không được, họ sẽ không mua nữa. Kết cục, người sản xuất không có điều kiện cải tiến sản phẩm. Khó kiểm soát chất lượng, khó thanh toán Một Việt kiều Ba Lan cho biết, ông mua mẫu ở châu Âu và nhờ doanh nghiệp Việt Nam phát triển và sản xuất hàng hóa giao sang Ba Lan. Tuy nhiên, giá cả của hàng hóa Việt Nam chưa cạnh tranh, và nhà sản xuất tại Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu và mong muốn. Cụ thể, khi làm việc với nhà sản xuất ở nước khác thì ông đặt cọc và trả chậm. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam thì đòi ông phải trả tiền ngay, do đó ông phải chịu chi phí tín dụng trong thời gian đợi hàng được vận chuyển bằng đường biển đến Ba Lan, nên giá thành cao. Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), một trong những trở ngại lớn của hàng hóa Việt Nam ở châu Âu là chất lượng hàng hóa giao lần đầu rất tốt, nhưng chất lượng đi xuống trong những lần giao sau, bởi lẽ hàng hóa Việt Nam được nhập khẩu và buôn bán với các nhãn mác khác. Do đó, chỉ khi nào xuất khẩu với chính thương hiệu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, thì doanh nghiệp mới quan tâm giữ chất lượng. |
(TBKTSG Online)
Bình luận (0)