Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ thuật múa rối nước – Tương lai mờ mịt

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quá trình phát triển xã hội, nghệ thuật truyền thống dân gian dân tộc được chú ý bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Tuy nhiên, trong những năm qua, một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc hoạt động cầm chừng, trong đó có múa rối nước.

Những nàng rối xinh đẹp trên sân khấu nước.

Thiếu kịch bản hay

Múa rối nước là một bộ môn nghệ thuật đặc sắc và lâu đời, chỉ có tại Việt Nam. Vì là duy nhất và chỉ có tại Việt Nam nên múa rối nước được đưa vào danh sách loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, được các công ty du lịch giới thiệu cho du khách nước ngoài trong các chương trình tham quan TPHCM. Còn với người dân TPHCM, việc đi xem múa rối nước vẫn khá xa lạ.

Chị Ngọc Anh (quận 3) chia sẻ: “Tôi chỉ xem múa rối nước trên tivi một lần duy nhất”. Loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này không thu hút được khán giả do thiếu đầu tư, đổi mới và nâng cao.

Tại TPHCM có hai điểm biểu diễn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm (chương trình của Đoàn Nghệ thuật múa rối TPHCM) và ở Cung Văn hóa Lao động (chương trình do tư nhân đầu tư). Đến xem chương trình biểu diễn ở hai địa chỉ này, khán giả thấy ngay sự giống nhau của các tiết mục trình diễn, tất cả đều dựa trên 16 tích trò cổ của rối nước, được diễn đi diễn lại, không có sự đầu tư cho vở mới.

Trước đây, ở điểm diễn Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có dựng vở Cá chép hóa rồng, với các suất diễn sáng chủ nhật hàng tuần, rất được khán giả yêu thích, nay không có gì mới hơn. Để có một kịch bản tốt, việc trước tiên, người viết kịch bản cần am hiểu tường tận về nghệ thuật múa rối nước nên phải là người trong nghề, có nhiều năm gắn bó với nghề, có niềm say mê rối nước.

Chính vì thế, lực lượng viết kịch bản cho múa rối nước khá hiếm hoi. Việc này dẫn đến tình trạng biểu diễn theo lối mòn, quanh quẩn những trò rối cổ cũ, nhàm chán. Với khán giả, một hai lần đầu tiên xem các trò rối nước sẽ rất thích thú, nhưng cứ diễn mãi như thế thì chẳng thể lôi cuốn khán giả.

Cơ sở vật chất nghèo nàn

Riêng sân khấu rối nước không giống các sân khấu thông thường mà phải sử dụng mặt nước làm nơi biểu diễn. Trên mặt nước, các con rối lúc ẩn lúc hiện dưới bàn tay khéo léo của diễn viên, tạo nên sự tò mò, thích thú nơi khán giả. Vì thế, để xây dựng một sân khấu rối nước cần phải có một không gian rộng, thoáng.

Thời gian qua, tại TPHCM vẫn chưa có một sân khấu biểu diễn rối nước đúng nghĩa. Chương trình múa rối nước thuộc Đoàn Nghệ thuật múa rối TPHCM thường xuyên trình diễn tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Khuôn viên sân khấu này vốn nhỏ hẹp, thiếu những trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết.

Với diễn viên múa rối nước, do công việc đặc thù nên diễn viên thường đứng sau tấm mành diễn, ít được khán giả biết đến. Đời sống diễn viên múa rối nước lại khá vất vả, thu nhập không ổn định, mỗi lần đi diễn bên ngoài, diễn viên phải kiêm luôn công việc hậu đài… Đó là nguyên nhân dẫn đến việc không ít diễn viên múa rối nước lành nghề buộc phải bỏ nghề, để lại một lực lượng kế thừa trẻ nhưng lại non tay, thiếu kinh nghiệm.

Chưa kể, lực lượng diễn viên múa rối nước đa phần là do truyền nghề chứ không được học qua một trường lớp nào.

Những tồn tại trên đã níu kéo, làm trì trệ sự phát triển của nghệ thuật múa rối nước tại TPHCM. Vì vậy, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc cần phải có sự quan tâm đầu tư hợp lý để múa rối nước thực sự là di sản văn hóa của đất nước.

Nghệ thuật truyền thống cổ truyền này đang nằm trong danh sách xếp hạng đăng ký để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

BẢO NGỌC (Theo SGGP)

Bình luận (0)