Sở Công thương đang nghiên cứu tổ chức bán hàng bình ổn liên tục 12 tháng trong năm để DN chủ động nguồn hàng. Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết như vậy tại cuộc họp về bình ổn giá hôm 16-2.
Các siêu thị tích cực tham gia bình ổn giá. Ảnh: Phạm Yên. |
Doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng
Tuy đến tháng 3-2011, Hà Nội mới kết thúc chương trình bán hàng bình ổn giá năm 2010 trên địa bàn thành phố, song theo đánh giá sơ bộ của Sở Công Thương Hà Nội, công tác bình ổn thị trường năm 2010 bước đầu thắng lợi với nhiều mục tiêu quan trọng đạt được: lượng hàng hóa phong phú, ổn định, người dân, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng tham gia.
Tuy nhiên, theo ông Đồng, chương trình bình ổn năm 2010 vẫn còn một số vấn đề tồn tại, đặc biệt vai trò điều tiết giá và hàng trong lúc giá biến động còn chưa kịp thời; số điểm bán hàng ít tập trung ở ngoại thành; vẫn có đơn vị bán giá cao hơn 10 – 16%… Sở dĩ tồn tại hiện tượng trên, ông Đồng cho biết, khi doanh nghiệp đăng ký bán hàng bình ổn là thời điểm giá thấp, sau đó giá đầu vào tăng nhanh, nên các doanh nghiệp buộc phải tăng giá theo.
Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Tổng Cty Thương mại Hà Nội, lý giải: “Nhiều mặt hàng thuộc hệ thống Tổng Cty tuy đã ký hợp đồng cũng như đặt cọc tiền, nhưng đối tác vẫn tăng giá với do sự biến động của thị trường trong và ngoài nước”.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu, đại diện siêu thị Fivimart cho biết hàng trữ trong kho của hệ thống siêu thị Fivimart chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của người dân tới hết tháng 2, do vậy hàng mới nhập đã phải tính theo tỷ giá mới, thậm chí một số mặt hàng siêu thị đang phải chấp nhận lỗ để bán hàng bình ổn giá.
“Sau Tết, giá thịt bò tại cơ sở bán cho siêu thị Fivimart đã tăng 4% nhưng siêu thị vẫn phải giữ giá bán đúng như trong Tết”, bà Hậu chia sẻ. Đại diện Fivimart cũng đề nghị Sở Công Thương cân nhắc hỗ trợ vốn thực hiện hàng bình ổn từ cơ sở sản xuất hàng.
Sẽ tổ chức bán hàng bình ổn liên tục 12 tháng?
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của lãnh đạo Sở Công Thương, đại diện các doanh nghiệp cùng nhận định rằng công tác bình ổn giá năm 2011 sẽ khó hơn 2010, do tỷ giá và nguyên vật liệu đầu vào xuất hiện nhiều dấu hiệu tăng giá.
Bà Mai Khuê Anh lo lắng: “Tình hình giá cả biến động nhanh, tỷ giá, giá điện, các nguyên vật liệu dùng cho sản xuất như than… cũng tăng thì doanh nghiệp khó giữ nguyên giá được”.
Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, chậm nhất đến 30-4-2011, nguồn vốn năm 2010 sẽ được thu hồi để kịp triển khai chương trình bình ổn năm 2011. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kiến nghị UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội nên triển khai chương trình bình ổn sớm hơn, để chủ động dự trữ nguồn hàng.
Năm 2010, UBND TP Hà Nội sử dụng 400 tỷ đồng vốn ngân sách của TP (không tính lãi suất)tạm ứng cho các doanh nghiệp để thực hiện cân đối cung cầu, đảm bảo dự trữ, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiềm chế lạm phát. Hiện mạng lưới phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã có khoảng 388 điểm.
|
Minh Tâm / TPO
Bình luận (0)