Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Giải mã một tình yêu”

Tạp Chí Giáo Dục

Với hơn 200 trang sách gồm 12 truyện ngắn chọn lọc được viết trong các năm gần đây, “Giải mã một tình yêu” của Nguyễn Gia Nùng (NXB QĐND) đã mang đến cho người đọc những cảm nhận, suy tư về cuộc sống, về tình người khó quên.
Mở đầu tập sách là truyện ngắn “Hoa bươm bướm” như một khúc nhạc dạo nhẹ nhàng, sâu lắng về tình nghĩa thầy trò. Bút pháp là lạ, đã đi thẳng vào chủ đề như “mở cửa là thấy núi ngay” của thơ Đường. Một thầy giáo đồng thời là một nhà văn đã ở vào tuổi 80, sống độc thân trong một căn phòng trên gác cao như một thế giới riêng, cách biệt với cuộc sống hàng ngày sôi động nơi thành phố ven biển nhưng tấm lòng vẫn tha thiết yêu đời, gắn bó với đời cùng những kỷ niệm thân thương nhất của một thời đã qua. Cuộc viếng thăm bất ngờ của cô học trò xinh đẹp, thông minh, nghịch ngợm từ hơn 30 năm trước như luồng gió mát từ một phương trời xa lạ ùa vào căn phòng nhỏ cô đơn của ông làm sống lại những kỷ niệm đẹp một thời đã qua… Truyện dường như không có truyện mà từng câu, từng chữ làm rung động trái tim người đọc. Những truyện tiếp theo với đề tài mở rộng cả không gian, thời gian, từ các kỷ niệm một thời không quên của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, về cuộc sống và chiến đấu của người lính Trường Sa hôm nay… Nhưng thành công nhất của Nguyễn Gia Nùng trong tập sách này là mảng truyện viết về tình yêu. Trong số 12 truyện ngắn trong tập, có đến 5 truyện dành cho đề tài này, mỗi truyện đều có nội dung và sức hấp dẫn khác nhau. “Lời tỏ tình đầu tiên” là câu chuyện tình thoáng qua của anh lính trẻ ở Quảng Ngãi với cô gái xinh đẹp, dịu hiền nơi quê nhà trước ngày đi tập kết đã để lại nỗi nhớ cùng sự day dứt khôn nguôi theo suốt cuộc đời anh. Nhưng tâm huyết của tác giả có lẽ dành cho hai truyện “Giải mã một tình yêu” và “Dạ Hương”. “Giải mã một mình yêu” kể về mối tình đầu từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của tuổi học trò nơi thành Nam của nhân vật xưng “tôi” với một cô học sinh thông minh, xinh đẹp và nghịch ngợm vào loại nhất nhì của trường. Nhưng rồi do hoàn cảnh éo le, khiến chàng trai đã để tuột mất hạnh phúc khi đã ở tầm tay để rồi mấy chục năm sau, khi đã trở thành nhà văn, quay về với trường xưa, cảnh cũ, gặp lại mối tình đầu của mình mà vẫn bàng hoàng không sao lý giải nổi tình yêu thật sự của người phụ nữ mình từng yêu… “Giải mã một tình yêu” nhưng cho đến cuối truyện, bí ẩn của tình yêu vẫn lơ lửng đâu đó với cả người viết và người đọc. Còn “Dạ Hương” là tên nhân vật chính của truyện, một cô gái Hà Nội là văn công đi phục vụ chiến trường miền Nam trong những năm đánh Mỹ ở Trường Sơn. Là một cô gái Hà Nội thuộc loại “hoa khôi”, giàu tình cảm, tài năng, cá tính và bản lĩnh nhưng chuyện tình duyên đầu đời gặp trắc trở, trở thành vợ của đoàn trưởng văn công nhưng hạnh phúc thật sự với cô dường như vẫn xa vời. Có cảm giác như “Giải mã một tình yêu” và “Dạ Hương” đều là tự truyện của người viết vì sau từng con chữ, người đọc có thể cảm nhận được hơi thở, cảm xúc sâu xa của người viết nên có sức lôi cuốn đặc biệt.
Nhà văn Nguyễn Gia Nùng là một cây bút đa tài, bền bỉ. Có sách xuất bản ngay từ khi đang còn trên ghế nhà trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tên gọi “Sao băng”. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về cuộc chiến đấu anh hùng của ngành giao thông vận tải miền Bắc đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đến nay, đã vượt qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, Nguyễn Gia Nùng có hơn 30 đầu sách đã ra mắt bạn đọc với nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch bản phim, chân dung, tiểu luận, khảo cứu… Chúng ta có thể hy vọng, chờ đợi những sáng tác mới của một nhà văn đã từng có hàng chục cuốn truyện viết về tình yêu, tình nghĩa thầy trò này.
Đoàn Minh Tuấn

Bình luận (0)