Sau gần chục năm có mặt trên thị trường Việt Nam, TMĐT đã thu hút và khẳng định thành công tại không ít các DN Việt. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, hiện vẫn còn nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ vẫn chưa dám “mạo hiểm” với thị trường này bởi lẽ, phí tham gia vào TMĐT vẫn còn quá cao.
Khẳng định thành công tại nhiều DN
Hiện tại, có một số lượng không nhỏ các DN cũng đã thu được thành công nhất định khi tham gia vào TMĐT. Các DN này tập trung nhiều ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thủ công mỹ nghệ, nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng và may mặc.
Theo ông Hà Thanh – Trưởng phòng kinh doanh Công ty Việt Phát cho biết, từ khi tham gia vào TMĐT đến nay, doanh thu của công ty tăng khoảng 30%. Hiện nay, doanh số qua TMĐT chiếm khoảng 80% doanh số bán hàng của công ty. Cơ hội bán hàng của công ty tăng. Thị trường được mở rộng khắp các khu vực trên các châu lục. Thời gian giao dịch với khách hàng được rút ngắn. Tỷ lệ giao dịch với khách hàng thành công tăng 40%.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Gia Hùng – Trưởng phòng XNK Công ty Secoin cũng chia sẻ, công ty chúng tôi hiện là một thành viên của Alibaba.com. Thời gian đầu, việc tham gia vào TMĐT chỉ như một hình thức quảng cáo giúp cho các DN nước ngoài có thể tìm được thông tin. Thế nhưng, hiện nay, đơn hàng của công ty liên tục tăng từ khắp nơi như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và cả các DN Châu Âu. Hiện nay, 20% tổng doanh thu của công ty có được là qua Alibaba.com.
Trước sự phát triển sôi động của thị trường TMĐT thế giới, nhiều DN Việt Nam cũng đã vào cuộc với mong muốn kết nối các DN trong nước với đối tác nước ngoài, mở ra những cơ hội kinh doanh mới trong sự hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Phan Chiến Thắng – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn cho biết, công ty chúng tôi hiện đang mong muốn trở thành người tiên phong trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam với mong muốn kết nối các DN trong nước và bạn hàng quốc tế, khơi thông “dòng chảy” giao thương.
Phí tham gia vượt khả năng của nhiều DN
Theo khảo sát tại 500 DN trong số 160.000 DN Việt Nam là thành viên của Alibaba.com, kết quả cho thấy: 30% coi Alibaba.com là một trong những kênh bán hàng hiệu quả, 20% chỉ tìm kiếm khách hàng trên Alibaba.com, 15% xem Alibaba.com như một phương tiện quảng bá thương hiệu, 20% đăng sản phẩm để tìm hiểu nhu cầu thị trường, 5% tham gia để tìm hiểu đối thủ cạnh tranh, 10% tham gia vì tất cả các lý do trên.
Khảo sát trên đây cho thấy, nhận thức của các DN Việt Nam về TMĐT vẫn còn thấp và chưa đầu tư đúng mức cho kênh này. Tuy nhiên, không hẳn là do nhận thức, điều quan trọng mà chúng tôi ghi nhận được từ phía các DN cũng như một số chuyên gia đều cho rằng: phí tham gia vào TMĐT hiện vẫn còn khá cao, vượt khả năng đáp ứng của nhiều DN, nhất là các DN vừa và nhỏ. Nếu vẫn giữ mức phí tham gia như cũ, e rằng rất khó thu hút DN Việt.
Bà Đào Thu Hà – Giám đốc Công ty HandViet cho biết, hiện các DN vừa và nhỏ của Việt Nam không phải không muốn tham gia vào thị trường này. Tuy nhiên, do khả năng tài chính hạn hẹp, trong khi đó, phí tham gia lại quá cao nên DN vẫn chưa “mặn mà” lắm với TMĐT.
Vì vậy, để thu hút các DN Việt tham gia vào “sân chơi” này, thì bản thân thị trường TMĐT cũng cần phải có những chính sách thiết thực nhất. Ông Hà Thanh – Trưởng phòng kinh doanh Công ty Việt Phát kiến nghị, thực tế hiện nay, phí tham gia thành viên Gold Supplier trên Alibaba.com là quá cao đối với DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Vì vậy, Alibaba.com cũng nên giảm phí hoặc có những chương trình khuyến mại tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi tham gia.
Mặt khác, theo Bà Lại Việt Anh- Trưởng phòng pháp chế Cục TMĐT và CNTT Bộ Công Thương, nhận định kết quả khảo sát cho thấy các trang web TMĐT ở Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp, thông tin thì nghèo nàn, thiếu chính xác. Vì vậy, DN Việt thiếu “mặn mà” với thị trường này cũng là điều dễ hiểu.
Ghi nhận từ một số chuyên gia cho rằng, thực tế phát triển của nền kinh tế TMĐT hiện nay vẫn cần thêm thời gian để đạt được bước tiến cần thiết cho việc thiết lập môi trường kinh doanh – tiêu dùng tiên tiến. Từ đó, xóa bỏ “bánh xe” kinh doanh truyền thống kém hiệu quả.
Nguồn DĐDN
Bình luận (0)