Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thực phẩm biến động giá

Tạp Chí Giáo Dục

Sau đợt tăng đầu tháng, giá cả một số mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm tươi sống ở siêu thị tại Hà Nội và TP HCM vẫn giữ nguyên mức tăng 10- 15%. Ngược lại giá một số mặt hàng thực phẩm tại chợ tự do có chiều hướng tăng cục bộ.
Tiếp đà tăng trong tháng trước, giá một số mặt hàng ở chợ tự do trên thị trường Hà Nội lại tiếp tục leo thang. Gạo tăng từ 500 đồng đến 1.000 đồng mỗi kg. Cụ thể, gạo Bắc Hương từ 11.500 đồng mỗi kg lên tới 12.000 đồng, gạo Khang Dân cũng lên tới 10.000 đồng mỗi kg.
Riêng các loại thịt tăng chóng mặt từ 10- 25.000 đồng mỗi kg. Thịt chân giò đầu tháng 50.000 đồng nay lên tới 60.000 đồng, thịt thăn cũng lên tới 80.000 đồng mỗi kg, gà ta nguyên lông từ 65.000 đồng lên tới 80.000 đồng. Cá trắm, cá chép, tôm cũng tăng từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng mỗi kg tùy loại. Riêng giá cả các loại rau vẫn giữ ở mức ổn định do mùa thu hoạch cuối năm, nguồn cung khá dồi dào.
Tại Hà Nội, giá cả một số mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, chocolate, rượu ở các siêu thị lớn như Fivimart, BigC… tăng từ 10% đến 15%. Ngược lại, hàng điện tử lại trong thời kỳ giảm giá kèm nhiều hình thức khuyến mại. Tiêu biểu, siêu thị điện máy Nguyễn Kim giá giảm từ 15% đến 45% cho hơn 200.000 sản phẩm các lọai: TV LCD, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, máy ảnh kỹ thuật số. Siêu thị Big C từ cũng có chương trình giảm giá 9% đối với một số mặt hàng LCD, DVD. Từ ngày 18- 20/12, Thế giới Điện máy Media Mart cũng đồng loạt xả hàng kèm tặng quà khuyến mại cho những khách hàng có hóa đơn thanh toán từ 500.000 đồng trở lên.
.
Giá chỉ tăng mạnh ở một số mặt hàng nhập khẩu. Ảnh: Hoàng Hà
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc hệ thống Fivimart cho hay, bà đã nhận được nhiều đơn kiến nghị tăng giá của một số nhà cung cấp. Tuy nhiên mức tăng này vẫn không cao hơn so với thời điểm đầu tháng 12. "Giá tại các siêu thị tăng 10-15% và chỉ tăng mạnh ở một số mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo nhập khẩu do bị ảnh hưởng mạnh tỷ giá USD biến động, giá xăng tăng", bà Hậu nói.
Tương tự Hà Nội, giá hàng Tết chợ tự do ở TP HCM tăng, còn các mặt hàng thiết yếu được doanh nghiệp duy trì ở mức khá ổn định. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Công ty lương thực TP HCM cho biết, từ nay đến Tết và sau Tết, công ty cam kết đảm bảo bình ổn giá gạo và luôn bán thấp hơn thị trường 10% giá thành sản phẩm. Theo ông Phúc, giá gạo hiện nay do công ty bán ra có mức thấp nhất khoảng 8.000 đồng và cao nhất là 18.000 đồng một kg.
Tuy nhiên, trong vòng một tuần trở lại đây, giá gạo bán lẻ ngoài chợ tại địa bàn TP HCM có tăng nhẹ khoảng 500 – 1.000 đồng một kg. Trong đó, tăng cao nhất là loại gạo thơm từ 19.000 đồng nay lên 20.000 đồng mỗi kg. Theo lý giải của các tiểu thương thì do nguồn cung không ổn định,chi phí vận chuyển cao nên giá cả có tăng lên.
Riêng tại các siêu thị, mặc dù hiện nay nhiều siêu thị đang triển khai các chương trình giảm giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhưng so với cách đây một tháng, một số mặt hàng đã điều chỉnh giá tăng lên, nhất là các mặt hàng dầu ăn, thực phẩm tươi sống.
Theo ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc Siêu thị Citimart, TP HCM dù siêu thị vẫn đang hưởng ứng thực hiện theo chủ trương bình ổn giá của Bộ Công Thương, nhưng đầu tháng 12 này, do một số nhà cung cấp hàng hóa đã đề xuất tăng giá nên siêu thị đã áp dụng mức giá mới, nhích nhẹ vài phần trăm. Trong đó, tăng nhiều nhất là mặt hàng dầu ăn Tường an tăng 7- 10%. Kế tiếp là bột giặt Omo tăng 5-7%…
Đại diện siêu thị Maximark cho biết, siêu thị này cũng đã điều chỉnh tăng giá của một số mặt hàng như thịt nguội, trứng gia cầm. Cụ thể, thịt nguội của Vissan tăng thêm 5% so với tháng 11, trứng vịt thêm 10%. Thịt gia cầm như cánh gà, đùi gà cũng nhích lên 2.000-3.000 đồng mỗi kg.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối mua siêu thị Co.op Mart khẳng định: "Các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị này đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có sự thay đổi giá. Có chăng chỉ là một số mặt hàng nhập khẩu, chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá USD/VND tăng nên có điều chỉnh tăng nhẹ".
Trong khi đó, theo ban quản lý tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP HCM, ở nhóm hàng rau củ quả tươi sống, do thời tiết tốt nên nông dân được mùa khiến giá thành giảm nhẹ. Mức giảm của các sản phẩm này tuy không nhiều, chỉ khoảng 5-10% nhưng cũng là tín hiệu vui cho nhiều bà nội trợ.
Riêng các mặt hàng khác thì ban quản lý chợ bà Chiểu cho biết có tăng nhẹ. Cụ thể, thịt gà từ 100.000 đồng nay tăng lên 105.000 đồng một kg, thịt vịt 45.000 lên 50.000 đồng mỗi kg. Các mặt hàng khô như đường Biên hòa đóng bọc lúc trước khoảng 16.000 đồng nay nhích lên 18.000 đồng một kg, các loại đậu xanh, đỏ cũng tăng tương ứng 5.000- 10.000 đồng mỗi kg.
Ông Vũ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho hay, giá cả thị trường Tết sẽ không tăng đột biến, dự báo giá tháng 12 tăng khoảng 0,8%, chỉ số giá cả tiêu dùng năm tăng dưới 7% trong mức dự kiến.
Theo ông Quyền, ngoại trừ giá gạo tăng do tin đồn, giá sữa tăng do chi phí đầu vào, giá cả cuối năm nay vẫn trong tầm kiểm soát. Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ không bị ép giá bởi lượng hàng cung ứng cho thị trường khá dồi dào, đặc biệt là các hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, thực phẩm chế biến, quần áo, giày dép.
Nhằm bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương cân đối nhu cầu thị trường, báo cáo để Bộ có biện pháp đối phó với tình trạng tăng cao nhất thời ở một số mặt hàng. Trên cơ sở đó, các địa phương đã lập quỹ dự phòng, sẵn sàng cho doanh nghiệp vay cung ứng hàng Tết, đặc biệt Hà Nội chuẩn bị hơn 250 tỷ đồng, TP HCM lập 400 tỷ.
"Đến lúc này, có thể nói, công tác chuẩn bị phục vụ hàng tết đã sẵn sàng. Tôi tin rằng, dịp Tết năm nay, giá cả sẽ không tăng đột biến", ông Quyền khẳng định.
Bách Hợp- Lệ Thanh/VNE 

Bình luận (0)