Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá điện tăng: Thép, thủy sản, nước sạch gặp khó

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Đà Nẵng rục rịch tăng giá ăn theo giá điện. Người tiêu dùng thêm gánh nặng chi tiêu, trong khi các DN phải tăng chi phí sản xuất, nên khả năng tăng giá là khó tránh.

Sản xuất thép tại Cty Thép Thái Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Huy

Khó khăn dồn dập

Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn khi giá điện tăng phải kể đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, cấp nước, chế biến thủy sản…
Bà Nguyễn Thị Xuân – Chủ tịch HĐQT, Cty Thép Thái Bình Dương (Đà Nẵng) cho biết: “Việc tăng giá điện tạo ra chuỗi khó khăn. Năm vừa qua, suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hoặc cầm chừng.
Riêng đối với các doanh nghiệp thép sống đến ngày nay đã là may mắn. Vậy mà vừa mới ổn định, gượng dậy sản xuất được một chút từ đầu năm, chúng tôi lập tức vấp phải loạt khó khăn như: lãi suất tăng, giá điện tăng”.
Bà Xuân thực sự lo lắng: Với mức tăng giá điện khoảng 6,8%, mỗi tháng đơn vị sẽ phải chịu thêm gánh nặng hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, sức ép tăng lương cho hơn 200 công nhân cũng tăng lên để đảm bảo đời sống sinh hoạt trước giá cả leo thang cho họ.
Không riêng Cty Thép Thái Bình Dương, hàng loạt doanh nghiệp thép lớn trên địa bàn như Dana – Ý, Thép Phú Lộc… và đơn vị cấp thoát nước cũng đối mặt khó khăn về tăng chi phí do giá điện được áp dụng theo khung mới.
Theo Cty Cấp nước Đà Nẵng: nguồn năng lượng chính để vận hành sản xuất của doanh nghiệp cấp nước là điện năng, nên việc tác động bất lợi của giá điện đến tình hình sản xuất kinh doanh là khó tránh khỏi.
Ông Bùi Thọ Ninh – Trưởng phòng Kỹ thuật, Cty Cấp nước Đà Nẵng cho biết: Đơn vị có ba nhà máy sản xuất nước là nhà máy Cầu Đỏ, Sân Bay và Sơn Trà. Trung bình mỗi năm Cty tiêu tốn 10 tỷ đồng cho tiêu dùng điện, chiếm gần 12% tổng chi phí hoạt động của Cty.
Đáng nói, giá nước hiện tại vẫn bán theo đơn giá cũ (từ tháng 12 – 2004) nên việc tăng giá điện là một khó khăn không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, lãi suất của Cty.
Tại các DN chế biến thủy sản, nhiều đơn vị cũng đứng ngồi không yên trước tình cảnh giá tăng điện sẽ kéo theo hàng loạt các phản ứng dây chuyền như tăng chi phí sản xuất, tăng sức ép cạnh tranh.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Cty Thủy sản Phước Tiến: Điện tăng giá sẽ khiến Cty mất thêm khoảng 60 triệu đồng tiền điện/năm.
Hơn nữa giá của vật tư, nguyên liệu đầu vào có khả năng tăng theo giá điện và giá xăng, khiến chi phí sản xuất của Cty phải tăng theo, và tất yếu giá thành đầu ra tăng nên làm giảm yếu tố cạnh tranh của sản phẩm.
Tiết kiệm điện: Không dễ
Để đối phó với việc tăng giá điện, nhiều DN bắt đầu lên kế hoạch sắp xếp sản xuất phù hợp, tổ chức lại sản xuất theo ca kíp, hạn chế tối đa sản xuất vào giờ cao điểm, tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm để có chi phí tiền điện thấp nhất.
Cty Cấp nước Đà Nẵng đầu tư hàng loạt thiết bị biến tần, máy bơm biến tần để điều khiển bơm theo áp lực và lưu lượng, góp phần điều tiết việc cấp nước theo giờ cao – thấp điểm.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt. Theo ông Bùi Thọ Ninh: Với những đơn vị đặc thù như ngành nước, việc tiết kiệm điện là điều không dễ. Vì giờ cao điểm của tiêu thụ nước lại trùng với giờ cao điểm của ngành điện do thói quen sử dụng của người dân nên việc tăng chi phí điện năng là điều khó tránh khỏi.
Bà Nguyễn Thị Xuân cũng nhận định: Với những doanh nghiệp ngốn điện như ngành sản xuất thép thì số tiền tiết kiệm điện quá nhỏ bé. Trong khi đó, việc tăng giá thành sản phẩm để bù chi phí sản xuất là điều chưa thể thực hiện ở thời điểm nhạy cảm của thị trường này.
Hiện, Cty chỉ sản xuất thép theo các hợp đồng với đơn giá cũ mà chưa thể áp giá thành mới. “Muốn tăng giá phải theo diễn biến của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng. Trong mùa thấp điểm của sức mua này chúng tôi nếu tăng giá sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Trước mắt, chúng tôi đành phải chấp nhận bù lỗ” – bà Xuân cho biết thêm.
Ông Hồ Nghĩa Tín, Tổng Giám đốc Cty Thép Dana – Ý cũng cho biết: Trung bình một tháng, Cty phải trả 3,7 tỷ đồng tiền điện. Nay với việc giá điện tăng 6,8%, mỗi tháng Cty phải mất thêm khoảng 300 triệu đồng.
Theo đó giá thép sẽ phải tăng thêm 40 ngàn đồng/tấn mới bù nổi chi phí sản xuất. Tuy nhiên, tăng giá thành không phải lúc nào doanh nghiệp cũng dễ thực hiện trong cuộc cạnh tranh về giá cả.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giá cả hàng hoá vẫn ở mức khá cao so với bình thường. Trong đó, tập trung tăng nhất là rau quả, thực phẩm.

Tại chợ Cồn, chợ Hàn, rau giá 10 ngàn đồng/bó (tăng gấp đôi ngày thường); cà chua 20 ngàn đồng/kg (tăng 7 ngàn đồng); rau cải, xà lách 30 ngàn đồng/kg (tăng khoảng 5 ngàn đồng).
Giá thực phẩm tươi sống như thịt bò 140 -160 ngàn đồng/kg, có thời điểm tăng đến 180ngàn đồng/kg; cá thu loại một giá 120.000đồng – 130.000đồng/kg.
Theo Cục thống kê thành phố Đà Nẵng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,49% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Nguyễn Huy / TPO

 

Bình luận (0)