Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Làng thơ bên sông Đáy

Tạp Chí Giáo Dục

“Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vạnh một góc trời”.
Lời bài hát đã đi vào lòng bao khán giả Việt Nam không chỉ bằng giai điệu trữ tình ngọt ngào mà còn bởi vẻ đẹp của con sông Đáy. Con sông ấy, khi lượn qua xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội lại sản sinh ra một làng thơ độc đáo của Việt Nam, đó chính là làng Chùa, cũng là quê hương của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hiện nay.
Dốc đê thoai thoải, những rặng tre xào xạc trong cái hanh hao của mùa đông. Tôi dừng lại trước cổng làng Chùa. Cái cổng không có gì đặc biệt về kiến trúc đối với làng quê Bắc bộ. Cũng cong cong nét nghiên, qua cổng làng là đến cây đa giếng nước nằm bình lặng, hiền hòa, như một dấu ấn của thời gian. Nhưng cái đặc biệt của cổng làng Chùa chính là bốn chữ “Vọng tự nhập xuất” khắc trên đó. Nó là nét riêng và cũng là niềm tự hào của người làng Chùa. Bốn chữ ấy có nghĩa là “trông chữ để vào làng”, thể hiện người làng Chùa trọng câu thơ, trọng cái chữ, cái tình. Từ cổng làng đến các ngõ xóm đều được treo những tấm biển sắt trên cột điện ghi lời người làng Chùa, một sáng kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông Lê Xuân Sủng, chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) thơ làng Chùa cho biết, năm 2006, từ ý tưởng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, làng đã quyết định đặt 22 tấm biển sắt ghi lại lời của người làng Chùa. Lời của người làng Chùa được kẻ lên biển là một phương thức truyền tải và lưu giữ tốt nhất những lời răn dạy của cha ông cho thế hệ trẻ. Nhiều người ngoài làng đã tìm đến đây để suy ngẫm những câu như “Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”. “Thơ không làm ra lúa vàng, gạo trắng nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”.
Thơ vị nhân sinh
Vụ mùa vừa xong, đường làng Chùa thơm mùi rơm mới. Vẫn cây đa, giếng nước sân đình, vẫn cổng làng cong cong đón nắng mai và tiễn nắng chiều bàng bạc. Làng nằm bình yên bên dòng sông Đáy từ ngàn xưa. Tiếp chúng tôi trong căn nhà còn mang đậm nét cổ kính, ông Nguyễn Gia Tự, nguyên chủ nhiệm CLB thơ làng Chùa cho biết lời nói của người làng Chùa lấy thơ làm gốc, truyền đức cho tất cả mọi người. Cũng theo ông Tự, sở dĩ người làng Chùa ứng khẩu thành thơ như hiện nay là xuất phát từ tình yêu thơ ca. Rồi cũng từ thơ ca, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào lòng người làng Chùa cứ nhẹ tênh, “phởn phơ” như một bài thơ trữ tình nồng thắm.  Từ cách dạy con, đến xây dựng tinh thần tập thể, thậm chí cả việc tiêu trừ các tệ nạn xã hội cũng được người dân làng Chùa ứng khẩu thành thơ. Để chứng minh, ông Tự đọc luôn mấy câu thơ nói về hậu quả của việc lô đề:
Từ khi có nạn số đề/ Lợn con hết cám, lợn sề hết rau/ Thóc nào thóc có chân đâu/ Mà sao thóc xuống chuồng trâu thóc nằm.
Cũng chính những bài thơ “răn đời” mà ông Tự không khỏi tự hào khi “khoe” thành tích của làng mình. Cả thôn có 300 hộ dân nhưng không có một thanh niên nào nghiện hút, cờ bạc, không có trộm cắp. “Có người để quên xe ngoài ngõ cả đêm, hôm sau dậy vẫn thấy xe còn đó” – ông Tự kể.
Đồng tình với những chia sẻ của ông Tự, ông Sủng cho hay, thế hệ ông cũng như con cháu sau này chỉ là những người kế tục truyền thống của cha ông. Xưa kia, người làng Chùa dùng thơ phú của các ông đồ trong làng để răn dạy con cháu. Thơ của người làng Chùa không lấy nghệ thuật làm chủ mà thơ là từ cuộc sống mà ra. Thơ của người làng Chùa không phải để xuất bản thành sách. Thơ của người làng Chùa nặng về giáo dục nên rất dân dã mộc mạc. Thế mới có câu chuyện, một nhà nọ, anh chồng uống rượu về cãi nhau, gây lộn với vợ con làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình và trật tự làng xóm. Hai hôm sau trên đài truyền thanh, “gương” tiêu biểu của anh đã bị lên “tin sốt dẻo” của CLB thơ. Xấu hổ với mọi người, nhưng anh cũng đã làm một bài thơ xin hứa sửa sai rồi nhờ đọc trên đài truyền thanh của xóm, khiến ai cũng thầm cười và khen cái CLB thơ sao mà khéo, mà hay đến thế.
CLB thơ làng Chùa
Theo các cụ trong làng kể lại, CLB làng Chùa ra đời từ lâu lắm rồi. Tiền thân của nó là hai hội văn chỉ của làng thành lập cuối thể kỉ 19, đầu thế kỉ 20, với việc tổ chức đọc thơ vào rằm tháng giêng hàng năm. Nhưng sau Cách mạng Tháng Tám thì cái lệ này bị mai một dần, đến cuối những năm 1980, cụ Nguyễn Xướng Đức, là một người giỏi thơ văn đã khôi phục lại làng thơ. CLB thơ làng Chùa ra đời từ đó và phát triển mạnh mẽ tới hôm nay. Ban đầu CLB có hơn chục hội viên và hiện nay là 32 hội viên chính thức khoảng từ 60 đến 80 tuổi chưa kể hàng trăm các cộng tác viên từ em nhỏ 9, 10 tuổi đến các thanh niên 20, 30 tuổi, bất kể ai cũng có thể làm thơ, ứng thơ một cách tức thì.
Theo ông Sủng, CLB thơ làng Chùa được duy trì và phát triển chủ yếu là do đóng góp của các thành viên trong CLB, song phong trào làm thơ của làng Chùa lại phát triển mạnh và được sự hưởng ứng của bà con làng xóm. Khi có những bài thơ hay sẽ được khen thưởng kịp thời. Món quà chỉ là một tập thơ, có khi là quyển sổ, cái bút thế nhưng mọi người ai cũng hồ hởi tham gia nhiệt tình. “Cứ thứ năm hàng tuần chúng tôi lại tổ chức đọc thơ trên đài truyền thanh của xóm một lần, cứ chiều chiều mọi người đều háo hức nghe bài thơ của mình có được đọc trên đài truyền thanh làng hay không”, ông Sủng cho hay.
Đề tài đa dạng, những cá nhân tốt thì được làm thơ khen ngợi và nhân rộng, còn những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội như đánh bạc… lại bị mọi người làm thơ để đả kích, răn dạy.
Tre già tìm chỗ cho măng
Theo ông Tự, CLB thơ của làng đã được Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây (cũ) tập trung giúp đỡ hội nghị cỡ lớn cũng như ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 tại làng. Không những thế, năm 2009 làng có tổ chức một cuộc thi thơ mang quy mô lớn trên toàn quốc, được sự hưởng ứng mạnh mẽ với gần 1.000 bài thơ từ khắp nơi gửi về. Điều đặc biệt, năm nào làng cũng tổ chức ngày hội thơ trước ngày hội làng (13 tháng giêng hàng năm) một ngày. Ngày hội thơ là dịp để các thành viên trong CLB trổ tài thơ cũng như đàm đạo về thơ. Làng hiện cũng có hai nhà thơ lớn của đất nước, đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Lê Trung Tiết. Người dân làng Chùa rất tự hào với hai người con ưu tú này của mình.  Đặc biệt nhiều đứa trẻ trong làng cũng tập tành làm thơ, trở thành một lớp “thi sĩ nhí” kế cận làm phong phú cho CLB. Năm 2009, trong cuộc thi thơ phát động toàn quốc, cháu Ngô Thị Thoa, học sinh lớp 8, người của thôn đã giành giải nhất với bài thơ “Đêm buồn nhớ mẹ”. Bài thơ của Thoa đã được Ban tổ chức đánh giá rất cao, dù tuổi đời còn trẻ, nhưng em đã có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống. Trong bài thơ, có hai câu thơ được coi là “nhãn tự” của cả bài và được mọi người vẫn nhớ đến hôm nay:
Người ta vá áo bằng kim/ Mẹ ơi con hỏi vá tim bằng gì?
Nghiêm Huê

Bình luận (0)