Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người mong khoảng cách để mà nhớ thương

Tạp Chí Giáo Dục

Sau tập Nằm im đợi nắng thức (NXB Văn nghệ 2005), nhà báo nhà thơ trẻ Trần Hoàng Nhân (cựu học sinh Lương Văn Chánh, Tuy Hòa – Phú Yên, hiện đang công tác tại Báo Thể Thao &Văn Hóa) vừa phát hành tập thơ thứ hai Người mong khoảng cách để mà nhớ thương (NXB Trẻ ấn hành). Tập thơ dày 93 trang, gồm 40 bài thơ lục bát đầy ắp tâm trạng của người tha hương. Sau 40 bài thơ là phần Tri âm, với bài viết của một số nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thanh Mừng, Ngô Liêm Khoan, Lê Minh Quốc, P.N Thường Đoan, Cao Thoại Châu, Trần Nhã Thụy… cảm nhận về thơ Trần Hoàng Nhân. Nhân bộc bạch: “Phần Tri âm tôi dành cho bạn bè, họ khen hay chê tôi đều tốt cả, thơ lúc này hay hoặc dở không còn quan trọng, bởi thơ đã hóa “tri âm” rồi.  Làm thơ hay làm người, gặp được tri âm cũng đáng để sống trong kiếp này, đáng để làm một điều gì đó…”. Người mong khoảng cách để mà nhớ thương được trình bày khá ấn tượng với những phụ bản của họa sĩ Lê Kiệt. Nhân khẳng định: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình viết “siêu thực” hay cố tình làm dáng kiểu “tân hình thức”, “hậu hiện đại”. Đơn giản thơ tôi chính là tâm trạng của tôi diễn đạt lại bằng ngôn từ. Tôi không cố tình làm thơ và càng không muốn làm thơ “chuyên nghiệp”. Khi nào viết được thì viết, để đó khi có điều kiện thì in sách tặng bạn bè”. Khẳng định này dường như khá hợp với bài thơ Ngồi đồng của Nhân: “Ngồi đồng cùng bạn với bè/ Ngọt đường pha đắng cà phê tê người/ Huyên thuyên toàn chuyện trên trời/ Sống như lá mục mà đòi lộc non”. Giáo Dục TP.HCM trân trọng giới thiệu tập thơ này đến bạn đọc.
TÂM GIAO

Bình luận (0)