Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

IMF dự báo GDP Việt Nam tăng 4,75% năm nay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo IMF, trong khi áp lực lạm phát đang giảm xuống nhờ giá lương thực và giá xăng dầu giảm, tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ giảm xuống mức 4,75% trong năm 2009 do sự suy yếu nhu cầu trong nước và nước ngoài – Ảnh: Việt Tuấn.

Theo dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2009 vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra, thâm hụt cán cân vãng lai giảm xuống 8% GDP nhưng thâm hụt ngân sách tăng lên 8,25% GDP.
Tuy nhiên, theo IMF, triển vọng về trung hạn là khả quan, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.
Cùng với dự báo này của IMF, nhiều dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 cũng đã được nhiều tổ chức quốc tế đưa ra trước đó, như Standard Chattered (4,2%), HSBC (5%)… và gây sốc nhất cho đến lúc này là dự báo của Economist Intelligence Unit – cơ quan thông tin kinh tế của tập đoàn báo chí The Economist (0,3%).
Rủi ro ngắn hạn ở phía trước
Sau một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức to lớn. Tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 khiêm tốn ở mức 6,23%.
Tăng trưởng tín dụng nhanh càng được hâm nóng bởi các dòng vốn nước ngoài lớn và giá tiêu dùng tăng cao, dẫn đến tình trạng lạm phát cao và thâm hụt thương mại lớn trong nửa đầu năm 2008.
Theo IMF, trong khi áp lực lạm phát đang giảm xuống nhờ giá lương thực và giá xăng dầu giảm, tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ giảm xuống mức 4,75% trong năm 2009 do sự suy yếu nhu cầu trong nước và nước ngoài. Thâm hụt cán cân vãng lai dự kiến sẽ giảm xuống mức 8% GDP, chủ yếu do nhập khẩu sụt giảm.
Các rủi ro trong ngắn hạn cũng đang ở phía trước, khi môi trường toàn cầu suy giảm có thể làm suy yếu các triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và giảm dòng vốn đầu tư, gia tăng áp lực lên nguồn dự trữ và tỷ giá hối đoái.
Các hoạt động kinh tế chậm chạp hơn cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các ngân hàng.
IMF đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam để đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc ổn định nền kinh tế, vốn đã quá nóng trong năm 2008.
Nhờ đó, tình trạng lạm phát và cán cân thương mại đã được cải thiện. Tuy nhiên, đáng chú ý là Việt Nam đang gặp phải những thách thức trong ngắn hạn do sự suy giảm các điều kiện kinh tế và tài chính toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 được dự kiến sẽ giảm cùng với sự suy yếu của các dòng vốn đầu tư và xuất khẩu trong khi thâm hụt cán cân vãng lai vẫn còn rộng. Tăng trưởng chậm hơn cũng có thể khiến hệ thống ngân hàng càng dễ bị tổn thương.
Triển vọng trung và dài hạn là khả quan
Đồng thời, các chuyên gia IMF đồng ý rằng triển vọng về trung hạn là khả quan, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.
Việc áp dụng các chính sách tài khóa trong năm 2009 giúp giảm áp lực suy giảm kinh tế là đáng khích lệ.
Theo IMF, các cơ quan chức năng cần xem lại kế hoạch ngân sách năm 2009, đảm bảo các biện pháp kích thích sẽ có hiệu quả và đạt được mục tiêu trong việc kích cầu. Tán đồng với các cải cách về thuế, IMF cho rằng cải thiện thu chi dài hạn là cần thiết để duy trì sự ổn định về tài khoá.
Tổ chức này cũng kêu gọi nỗ lực lớn hơn để mở rộng phạm vi chịu thuế. Đồng thời, cơ cấu chi tiêu cần được xem lại để đảm bảo hiệu quả của đầu tư công và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bên cạnh đó, Luật ngân sách nhà nước cần được nghiên cứu thay đổi.
Nhóm nghiên cứu cũng khuyên các cơ quan chức năng nên đánh giá tác động của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ gần đây trước khi tiếp tục nới lỏng. Để tăng cường chức năng hoạt động của thị trường tiền tệ, IMF khuyến nghị nên tăng cường các hoạt động của thị trường mở và quản lý thanh khoản.
Trong dự đoán lần này, IMF rất chú trọng đến việc nới rộng biên độ tỷ giá, và vì vậy, tổ chức này kêu gọi các cơ quan chức năng chú ý đến việc tăng cường hơn nữa tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái với sự hỗ trợ thích đáng của các chính sách kinh tế vĩ mô.
IMF cho rằng nguồn lực vốn mạnh mẽ và cải thiện năng lực kinh doanh cả các ngân hàng Việt Nam có thể là “tấm đệm” để các ngân hàng chống chọi với tác động của suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, các hạng mục đầu tư của các ngân hàng có thể chịu áp lực khá lớn khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.
IMF khuyến khích các cơ quan chức năng phát triển một kế hoạch ứng phó hoàn thiện hơn để giúp khu vực ngân hàng đối mặt với các tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Những nỗ lực gần đây trong việc tăng cường giám sát ngân hàng là đáng khích lệ, nhưng các cơ quan chức năng vẫn cần cải thiện hơn nữa công tác này để đảm bảo việc đánh giá hoạt động yếu kém của các ngân hàng là kịp thời và hiệu quả.
Các cơ quan chức năng nên thực hiện cải cách khu vực tài chính, đặc biệt, củng cố tính tự chủ của Ngân hàng Nhà nước. Kế hoạch cải tổ các doanh nghiệp nhà nước là đáng khích lệ, tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa đang bị trì hoãn một phần vì điều kiện thị trường không thuận lợi.
Sự cải cách trong lĩnh vực này sẽ tăng cường hiệu quả hoạt động và quản trị của các doanh nghiệp nhà nước và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam.
IMF cũng nhận định rằng quá trình tiếp cận thông tin cũng đã được cải thiện cùng với chiến lược truyền thông cộng đồng hiệu quả sẽ thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư.
Các cơ quan chức năng nên tiếp tục tăng cường chất lượng và tính kịp thời của thông tin cung cấp, đặc biệt các số liệu về tình trạng tài khóa, các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng.
Theo VnE
 

 

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)