Tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Trị, ngoài các di tích thuộc tuyến DMZ phong phú, chợ phiên Cam Lộ, di tích liên quan cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi ở làng Cùa… còn có cả một hệ thống giếng cổ thuộc thời kỳ đá mới liên quan đến văn minh lúa nước ở nước ta.
Chúng tôi đã có dịp đến thôn Hảo Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh và tận mắt chứng kiến công trình gồm 14 giếng cổ mà Bộ Văn hóa – Thông tin đã xếp hạng "di tích lịch sử – văn hóa" cấp quốc gia từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Hệ thống giếng cổ này cách thị xã Đông Hà khoảng 20 km về phía tây bắc, có thể đi bằng ô tô đến tận nơi.
Giếng cổ Gio Linh – Ảnh: T.Đ.T |
Đó là một hệ thống giếng thơi rất lạ lùng và hiếm có. Chị Trần Thị Quỳnh Nga, ủy viên văn hóa – xã hội của xã Gio An cho biết: “Các giếng ngày nay có lẽ đã cạn so với trước, nhưng nước vẫn trong vắt, có thể nhìn thấy những con cua nhỏ lội dưới đáy…”. Xung quanh thành giếng là những lớp sa thạch được xếp chồng khít lên nhau rất đẹp. Trẻ con trong thôn Hảo Sơn vẫn hằng ngày ra tắm lội trong những giếng này. Nối từ các giếng ra ruộng (đang được trồng rau xà lách xoong) là những kênh dẫn nước chắn bằng sa thạch.
Giữa các giếng cao và thấp cách nhau cả chục mét, nước từ trong các khe đá chảy ra cũng trong xanh. Dân làng cho biết, mùa hè nước rất mát và mùa đông thì nước lại ấm, nên không chỉ tắm giặt, tưới rau mà các giếng này còn là nguồn cung cấp nước uống tinh khiết cho dân làng. “Ngày nay, những ống tre dẫn nước không còn nữa, nước từ giếng này sang giếng khác và ra ruộng, do địa hình, theo những kênh tự chảy…”, chị Nga nói.
Kênh dẫn nước từ giếng ra ruộng – Ảnh: Trương Điện Thắng |
Trong công trình nghiên cứu về văn minh lúa nước và nghề trồng lúa tại Việt Nam, Giáo sư Bùi Huy Đáp từ trước năm 1980 đã giới thiệu một công trình khảo cổ học có giá trị về một hệ thống giếng nước của người Việt cổ trên đất Gio Linh, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Đây là hai di chỉ được giới khảo cổ Việt Nam phát hiện, có niên đại cách đây khoảng trên dưới 4.000 năm. "Hệ thống tưới nước Gio Linh được xây dựng cuối thời kỳ đá mới là công trình nước tự chảy của người xưa khá tinh vi. Từ cao xuống thấp, có một khoảng phẳng rộng tập trung lấy nước, một bể chứa hứng nước từ trên núi xuống, bể thứ hai hứng nước từ bể ở trên bằng ống máng (làm từ cây luồng – một loài tre to, thẳng có mắt nhỏ) và thấp nhất là một đầm nước rộng có mương đưa vào ruộng. Trong hệ thống này có công trình giếng Kình khá tinh vi…". Cũng theo Giáo sư Bùi Huy Đáp, cuộc cách mạng thời kỳ đá mới đã làm cho nghề trồng lúa phát triển và những tiến bộ về trị thủy của người Việt cổ (theo Văn minh lúa nước và nghề trồng lúa Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội 1985).
Theo những tài liệu khảo cổ để lại, thì đây là một tài sản quý hiếm không chỉ đối với nghề trồng lúa nước lâu đời của cư dân Việt cổ, mà còn là một di tích lịch sử quan trọng trong hàng chục di tích lịch sử cận đại khác của khu vực Gio Linh nằm gần kề đường Hồ Chí Minh, trong đó có nghĩa trang Trường Sơn, di tích Dốc Miếu (phía bờ nam sông Bến Hải thuộc hệ thống các điểm du lịch DMZ nổi tiếng). Du khách đi theo tuyến du lịch Xuyên Á hoặc tham dự các tour DMZ ở Quảng Trị, đường Trường Sơn có thể đi thăm di tích cổ rất có giá trị này.
Trương Điện Thắng
Theo Thanh nien
Bình luận (0)