Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kịch tác gia “chân đất”

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Mai ngâm nga làn điệu dân ca do mình sáng tác bên chiếc chõng tre đóng dở

Là người chuyên đóng chõng tre, quanh năm quen với bờ tre gốc rạ. Bằng tình yêu quê hương tha thiết, ông Nguyễn Hữu Mai (60 tuổi) đã viết nên hàng trăm kịch bản dân ca được người dân gọi bằng cái tên trìu mến kịch tác gia “chân đất”.
“Thổi hồn” tình yêu dân ca cho lớp trẻ
Một lần về huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), đúng vào dịp bà con tổ chức giao lưu múa hát dân ca, anh Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang phấn khởi cho biết: “Sau gần 20 năm vắng bóng, những làn điệu dân ca hiện nay đang dần sống lại mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng bà con vùng thuần nông Hòa Vang. Và không ai khác, chính các lão nông dân chất phác là những người viết nên những làn điệu này. Họ chẳng học qua một khóa đào tạo nào về nhạc lý, tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu và lòng quyết tâm thổi hồn tình yêu dân ca cho lớp trẻ”.
Như để chứng minh lời giới thiệu của mình, anh Dũng dẫn chúng tôi đến gặp kịch tác gia Nguyễn Hữu Mai. Ngồi chồm hổm bên khoảng sân cặm cụi chuốt nan tre để đan vạt giường, ông Mai rất vui khi có người hỏi về “nghề” viết kịch bản của mình.
Chọn nghề làm chõng tre cũng đồng nghĩa chọn chốn thôn quê làm cái thú vui sống của cuộc đời thanh bạch. Nhìn lại, nghề này đã gắn bó với ông gần cả cuộc đời. Nhờ nó, ông nuôi sống cả gia đình và 4 đứa con ăn học nên người. Bên cạnh cái thú đóng chõng tre, ông còn “sống” với “nghề” viết kịch bản dân ca. Có điều, với ông có thể bỏ được mọi thứ nhưng hai công việc này thì không thể dứt bỏ được.
Khoảng thời gian sau năm 1975, ông tham gia công tác văn hóa – thông tin tại địa phương, những làn điệu dân ca Khu 5 cứ như thấm vào tận máu thịt của chàng thanh niên tuổi đôi mươi. Để rồi gần 20 năm sau, khi tuổi đã lớn, ông về nhà làm nghề đóng chõng tre mà hằng ngày vẫn luôn nhớ tới cái không khí văn hóa, văn nghệ ngày nào. Đêm đêm, bên ấm nước lá vối mà vợ ông biết ý đã để sẵn bên bàn, ông mày mò viết kịch bản từ các câu chuyện vui góp nhặt được trong cuộc sống hằng ngày, xây dựng nên những tiểu phẩm văn nghệ tuyên truyền để thi với nhau trong tổ, trong thôn. Dần dần mọi người biết đến ông với một số vở kịch ngắn, kịch dài, các tiểu phẩm tuyên truyền hấp dẫn và lý thú xen lẫn với những điệu lý, giọng hò Khu 5 mượt mà, sâu lắng mà man mác nỗi lòng.“Chính bác Mai đã truyền cho chúng tôi những cảm xúc và tình yêu khi cất lên câu dân ca quen thuộc của người dân xứ Quảng. Các giai điệu mượt mà, ngọt ngào ấy đã giúp cho tôi thấy yêu hơn mảnh đất nơi mình sinh ra và khôn lớn”, ca sĩ trẻ Mỹ Hạnh bộc bạch.
Mơ một tập sách cho riêng mình
20 năm cầm bút, ông đã viết hơn 100 kịch bản dân ca. Những tiểu phẩm kịch ngắn ông viết đều nhằm tuyên truyền, cổ động các phong trào kế hoạch hóa gia đình; phòng chống ma túy – AIDS; bảo vệ môi trường; bảo vệ rừng; giữ gìn trật tự thôn xóm… Không chỉ viết cho địa phương, ông còn viết kịch bản cho các đơn vị dự thi các giải thành phố và khu vực. Ông Mai tự hào kể: “Cái hồi có chương trình chúng tui là chiến sĩ của Trung đoàn Vận tải 683 tham gia, tui đã được mời viết kịch bản, dàn dựng cho phần dân ca của huyện Hòa Vang trong chương trình “Giai điệu miền Trung”, phát trên sóng toàn quốc đấy”.
Đang lúc hào hứng kể về “nghiệp” viết kịch của mình, ông Mai chợt đổi giọng trầm buồn: “Mấy năm ni tui ấp ủ dự định tập hợp các tác phẩm đã viết để in thành sách lưu lại cho lớp trẻ. Nhưng đến giờ dự định vẫn chưa thực hiện được, bởi muốn xuất bản cần có kinh phí trang trải qua biết bao khâu mới có được cuốn sách ra đời. Trong khi cuộc sống hàng ngày với nghề nông thiếu thốn đủ thứ, nói chi chuyện in sách”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)