Mảng du lịch quốc tế đang vào mùa đông khách nhưng ghi nhận từ doanh nghiệp cho thấy tuy vẫn có một số công ty tăng trưởng cục bộ nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng mùa này giữ được lượng khách bằng với cùng kỳ năm ngoái đã là may, thậm chí nhiều công ty bị giảm khách.
Khách quốc tế trên đường Nguyễ Huệ, TPHCM – Ảnh: Đào Loan |
Mùa đông khách quốc tế thường bắt đầu từ tháng 10, kéo dài đến tháng 3 năm sau.
Tại Công ty Du lịch Lạc Hồng Voyages, khách từ các thị trường châu Á có thể giảm khoảng 20-30% so với mùa đông khách năm ngoái. Tại Vietravel, trừ vài thị trường như ở Đông Nam Á và Nhật Bản có tăng thì các thị trường khác như châu Âu và Mỹ sụt giảm nghiêm trọng. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại một số công ty khác, có nơi còn báo thị trường châu Âu giảm đến 30%. "Chúng tôi đang rất lo lắng và tìm mọi cách để hút khách nhưng hiện tại rất khó để tìm được đối tác gửi khách đến", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel nói.
Nguyên nhân của tình hình này đến từ ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới làm người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Các thị trường chính của du lịch Việt Nam đang có vấn đề về kinh tế và một số nguyên nhân khác. Chẳng hạn, châu Âu gồm những thị trường chính như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý đang khó khăn về kinh tế; Mỹ, Úc hay các nước Đông Bắc Á (trong đó có Nhật Bản) cũng đang đương đầu với khó khăn tương tự, thậm chí bị ảnh hưởng từ thiên tai…
Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn khách quan, doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng những vấn đề như giá cao, sản phẩm cũ và quảng bá chưa tốt, an toàn cho du khách cũng là những vấn đề yếu kém góp phần làm ngành du lịch gặp khó.
Trước hết, về vấn đề giá. Hầu hết các công ty lữ hành quốc tế đều cho biết giá tour trọn gói trong mùa này tăng ít nhất là 15-25% so với cùng thời điểm năm trước dù doanh nghiệp lữ hành đã chấp nhận giảm lãi để san sẻ bớt chi phí đội lên từ vận chuyển đường bộ, vé máy bay, ăn uống… Trong điều kiện kinh tế khó khăn, đối tác nước ngoài liên tục đòi giảm giá thì những nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam lại tăng giá nên khó lòng tạo nên sản phẩm cạnh tranh để hút khách. Kinh tế giảm sút, nhu cầu du lịch vẫn có nhưng du khách sẽ buộc phải lựa chọn điểm đến có giá tốt hơn để cắt giảm giảm chi tiêu.
Theo ông Kỳ, tour đến Việt Nam vốn đã cao hơn các điểm đến lân cận nhưng còn một điểm yếu nữa là không thể giữ giá mà mỗi năm đều tăng. "Ở các nước, giá xăng cũng tăng làm ảnh hưởng đến du lịch nhưng cả hệ thống dịch vụ cho ngành này đã liên kết hỗ trợ nhau để giảm giá nhưng chúng ta lại chưa có sự phối hợp như thế này", ông nói.
Điểm yếu về sản phẩm được ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty Lạc Hồng Voyages đề cập đến như là vấn đề lớn của ngành du lịch. Tour đến Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, gắn với vài chương trình mua sắm ở các thành phố lớn. Các dịch vụ giải trí, những hoạt động về đêm cho du khách vẫn chưa phát triển. Trong khí đó, đến Hàn Quốc, mỗi đêm du khách có 12 show diễn để lựa chọn.Thái Lan bên cạnh các chương trình nghệ thuật trong nước còn liên tục mời các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến biểu diễn, tháng nào cũng thông báo các chương trình nghệ thuật, múa balê… để công ty du lịch giới thiệu. Singapore cũng nhộn nhịp không kém.
"Trong khi đó, chúng ta vừa không có show thực sự, chỉ có vài dịch vụ giải trí lại đóng cửa trước 12g đêm. Chúng tôi vẫn nói đùa là tour đến TPHCM chỉ là sáng Củ Chi, chiều chợ Bình Tây, tối chợ Bến Thành để ăn uống và mua vài thứ lặt vặt, như vậy làm sao hút khách", ông nói.
Một số doanh nghiệp cho biết, các điểm đến trong khu vực như Hồng Kông, Singapore, Malaysia hay Thái Lan đang tăng cường các hoạt động quảng bá để hút khách. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn và sự phát triển của xã hội, các biện pháp tiếp thị cũng đã thay đổi. Những chương trình quảng cáo đắt đỏ trên các kênh truyền hình, báo chí quốc tế bị cắt giảm. Các chương trình tiếp thị trên các mạng xã hội được đẩy mạnh không ngừng. Bên cạnh đó, các chuyến làm việc trực tiếp, tìm đối tác ngay tại các thị trường trọng điểm, việc thiết lập chân rết ở những thị trường cần thu hút được thực hiện thay vì tổ chức các lễ hội quảng bá tốn kém ở nước ngoài….
"Các nước đã có bộ phận phụ trách quảng bá trực tuyến, tận dụng các mạng xã hội để giới thiệu hình ảnh du lịch… Họ đã thay đổi cách quảng bá theo phương thức mới nhưng chúng ta lại loay hoay chọn đại sứ du lịch, học cách mà các điểm đến khác đã làm từ rất lâu rồi thì khó có tác dụng tốt", một doanh nghiệp nói.
Sau nhiều tháng tăng trưởng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm mạnh trong tháng 9-2011, giảm đến 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Du lịch dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, cho biết ước tính có hơn 286.600 khách quốc tế đến trong tháng 9, so với hơn 552.000 của tháng 8-2011.
Trong tháng này, sự sụt giảm thể hiện ở tất cả các thị trường. Thậm chí, Trung Quốc và Campuchia, 2 trong 5 thị trường nguồn lớn nhất của ngành du lịch, vốn có mức tăng trưởng mạnh nhất, lên đến 35,9% và 68% trong tháng trước thì nay cũng sụt giảm.
Tính chung 9 tháng, tổng lượng khách nước ngoài đạt khoảng hơn 4,3 triệu lượt, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước
|
Theo Đào Loan
(TBKTSG Online)
Bình luận (0)