Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hội sách TP.HCM lần VII – 2012: Náo nhiệt nhưng… sức mua kém

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều HS, SV tham gia hội sách nhưng phải cân nhắc với “chiếc ví” trước khi chọn mua

Cái nắng cái mưa bất chợt của tiết trời tháng 3 dường như không ngăn được bước chân của đông đảo bạn đọc đến với hội sách để tham quan, thưởng lãm và mua sắm.
Không gian náo nhiệt
Diễn ra trong suốt một tuần lễ (từ 19 đến 25-3) tại Công viên Lê Văn Tám, với 500 gian hàng tham gia (tăng 10% so với lần tổ chức trước) được thiết kế hoành tráng, trang trí lộng lẫy đã khiến hội sách năm nay trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của người dân thành phố. Mặc dù có đến bảy chương trình nằm trong loạt hoạt động đã bị hủy bỏ nhưng không vì thế, sức nóng của hội sách thuyên giảm. Con số trung bình 80.000 lượt khách/ngày đã cho thấy ý nghĩa, tính hấp dẫn của ngày hội tôn vinh ngành xuất bản nói riêng và văn hóa đọc nói chung. Có mặt liên tiếp trong hai ngày đầu, anh Hồ Hữu Thọ (công tác tại Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM) cho biết: “Quả là choáng ngợp với một không gian đầy sách. Nhiều sự lựa chọn quá nên tôi phải đi xem hết các gian hàng rồi mới mua”. Trong số 200.000 đầu sách, theo thống kê từ Ban tổ chức (BTC), tuy mới nửa chặng đường nhưng đã có những cuốn cho thấy có tín hiệu best-seller, như: Cung đường vàng nắng (Dương Thụy), Hiểu về trái tim (Minh Niệm), Ngược chiều vun vút (Joe Ruelle)… Đặc biệt, bộ “toán hiệp” Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình của GS. Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn do NXB Nhã Nam sở hữu tác quyền bán chạy hơn 1.000 cuốn chỉ trong hai ngày đầu ra mắt. Theo anh Vương Tuân – quản lý gian hàng NXB Nhã Nam tại hội sách thì, với lối viết hồn nhiên, trong trẻo đã khiến sách của GS. Ngô Bảo Châu cuốn hút đông đảo HS, SV mua đọc.
Ngoài sức “nóng” của sách tại các gian hàng trưng bày thì âm vang huyên náo ở một số điểm không trưng bày sách cũng trở thành nơi dừng chân của nhiều bạn đọc. Đó là các trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du học và văn hóa phẩm khéo léo lôi cuốn người đi hội thông qua những trò chơi tiếp thị hay các chương trình giao lưu.
Sách và… “chiếc ví”
Trên tay đã có 5 quyển sách mua được sau khi đi một vòng qua các gian hàng, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt – một độc giả vẫn tần ngần trước quầy sách văn học của NXB Phụ nữ. Lướt qua nhiều cuốn, mân mê, xem giá bìa rồi đặt lại chỗ cũ, chị Nguyệt chặc lưỡi: “Sách là món ăn tinh thần nhưng xem ra còn đắt hơn vật chất. Trong khả năng của mình tôi không thể mua hơn được nữa”. Tương tự, bạn Trương Quốc Phong – SV năm hai Trường ĐH Y dược cũng chỉ biết đứng trước tủ sách y học của NXB Anh quốc Elsieve danh tiếng xem lướt qua rồi… trả lại. “Sách này thì em chỉ biết thèm thuồng, đứng xem lướt tại chỗ những phần mình quan tâm chứ không mua nổi bởi giá quyển nào cũng trên 400 ngàn đồng” – Phong tiếc rẻ. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong số 80.000 lượt khách/ngày đến với hội sách thì chỉ có một lượng nhỏ mua được sách. Lý do đưa ra là dù có quá nhiều đầu sách hay, bổ ích và bắt mắt nhưng xem ra giá cả lại không phù hợp với… “chiếc ví” của các bạn HS, SV – đối tượng đông đảo nhất tham gia hội sách – dù BTC đã giảm giá 10%/mỗi cuốn. Đây có lẽ là “nỗi buồn” ẩn sau sự tấp nập, nhộn nhịp của hội sách năm nay cũng như của ngành xuất bản ở giai đoạn này. Khi mà mới đây, trong hội nghị tổng kết xuất bản và phát hành xuất bản phẩm, cho thấy năm 2011, toàn ngành tăng đáng kể số đầu sách tung ra thị trường nhưng doanh thu lại giảm đến 25,6% so với năm 2010. Căn nguyên vì giá bán cao khiến bạn đọc ngần ngại, trong khi đó các NXB lại không thể giảm chi hơn nữa để đạt chuẩn một cuốn sách được in đẹp, bắt mắt, rõ ràng với giá thành giấy và mực in mỗi lúc một tăng. “Cứu vãn” cho tình trạng này, đồng thời nhằm thúc đẩy sách đến tay bạn đọc nhiều hơn, theo BTC, trong ba ngày cuối, hội sách sẽ có hàng loạt sách giảm giá đến 50%/cuốn nhằm phù hợp với túi tiền của bạn đọc.
Bài, ảnh: Ngân Du
Chị Phạm Ngọc Đào – nhân viên khu vực sách ngoại văn cho biết: “Độc giả đến xem thì nhiều chứ mua không được bao nhiêu bởi giá sách cao quá, có trường hợp 2, 3 khách hàng cùng góp tiền để mua một cuốn rồi chia nhau đọc”.
 

Bình luận (0)