Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Buồn thay văn hóa khán giả!

Tạp Chí Giáo Dục

Khán giả công nhân ngồi trật tự thưởng thức chương trình văn nghệ. Ảnh: S.M

Khi đi xem một chương trình nghệ thuật, bất kỳ ai cũng đều có chung mục đích là thưởng thức, thư giãn tinh thần. Tuy nhiên, thái độ thưởng thức của khán giả lại có nhiều kiểu khác nhau, thậm chí rất “quái”, không giống ai.
Một lần đến phòng trà Đ.D trên đường Pasteur (Q.1) xem ca nhạc, chứng kiến cảnh trong khán phòng người làm văn hóa… thiếu văn hóa nơi công cộng mà ngao ngán. Đó là một nhạc sĩ giàu có, nổi tiếng và cũng nhiều tai tiếng cùng vài ca sĩ khác cứ ngồi uống rượu, nói chuyện ồn ã, thao thao bất tuyệt, như thể đang ngồi nhậu ở nhà, khiến nhiều khán giả cả trong và ngoài nước – những người đã bỏ ra cả triệu đồng để mua vé thưởng thức chương trình của các ca sĩ hải ngoại tên tuổi không khỏi bất bình. Khi nhân viên của phòng trà này lại gần nhắc khéo, tưởng rằng vị nhạc sĩ này sẽ ngượng ngùng trước đám đông và điều tiết giảm âm lượng vừa đủ nghe để không còn làm phiền người xung quanh. Nào ngờ ngược lại, ông ta còn tỏ thái độ hách dịch, nạt nộ nhân viên phòng trà trước mặt khán giả.
Trong chương trình kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam được tổ chức tại rạp Thủ Đô, nhiều người cảm thấy bị phiền toái khi có những khán giả thích chơi nổi, vừa đi trễ giờ gần cả tiếng đồng hồ, lại vừa mang thức ăn đủng đỉnh vào rạp. Còn nhớ có dạo NS Kiều Phượng Loan đã chịu sự khủng bố của khán giả ngay tại Sân khấu Hưng Đạo khi họ không cho nữ nghệ sĩ này đóng cặp với NSƯT Vũ  Linh mà chỉ cho phép “Vũ Linh diễn cặp với Tài Linh và Thanh Thanh Tâm thôi”?! Cũng đã không ít lần chứng kiến cảnh các khán giả “đấu võ miệng” với nhau tại sân khấu này bằng những ngôn từ không thể chấp nhận được, chung quy cũng vì khán giả là hai phe đối nghịch nhau, một bên hâm mộ Vũ Luân, còn bên kia là fan của Kim Tiểu Long. Khi nhóm nhạc lừng danh Backstreet Boys  qua Việt Nam, nhiều khán giả trẻ đã nhịn ăn, ki cóp từng đồng bạc, kể cả “ăn chặn” tiền đi học của ba mẹ cho để có được tấm vé đi xem mặt “thần tượng”. Lần ấy, tại Nhà Thi đấu Quân khu 7  thật “khủng khiếp”, khi Backstreet Boys vừa xuất hiện, khán giả đứng lên giơ cả dép giày, mũ mà quên cả xung quanh mình còn có những ai. Sắp tới đây, khi nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Bigbang sang biểu diễn tại Sân vận động Phú Thọ thì  sự “khủng khiếp” này có còn tiếp tục tái diễn? Mới đây, trong chương trình ca nhạc tại Sân khấu Trống Đồng, khi ca sĩ trẻ T.N  đang trình bày một ca khúc rất vui nhộn thì có một khán giả cứ lấp la lấp ló dưới sân khấu, không chịu lên mặc dù trên tay cầm một bó hoa rất to. Ca sĩ T.N thấy vậy liền đến gần và đưa tay đón nhận thì nữ khán giả ấy nói vọng vào micro khiến ca sĩ T.N mém… té xỉu: “Đừng có ham, hoa này tôi dành tặng cho ca sĩ Đông Nhi cơ”.
Rất nhiều người làm nghệ thuật hy vọng, khán giả đến rạp xem hát sẽ thể hiện sự ứng xử một cách có văn hóa hơn. Tuy nhiên, vẫn cảm thấy chạnh lòng khi mà đã nhiều năm nay, dường như người ta cứ mải mê chạy theo doanh thu, quên mất việc vun đắp, xây dựng nếp văn hóa cho khán giả. Cho nên mới có nhiều khán giả cứ tưởng mình là “thượng đế” khi đã bỏ tiền ra mua vé, thích thì vào xem trễ giờ, quần áo xộc xệch, đầu bù tóc rối, ăn uống, gác chân lên ghế… Có thể nói, những câu chuyện như trên còn rất nhiều, cần phải chấn chỉnh kịp thời để ít nhất người đi thưởng thức văn hóa cũng phải có văn hóa!
HẠNH ĐỖ
Ông Phan Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang ưu tư: “Thiết nghĩ, nên có quy định nếu khán giả nào đi trễ 15 phút thì dứt khoát không được vào rạp để tránh tình trạng những người có ý thức đi xem đúng giờ bị người kém ý thức làm phiền”.
 

Bình luận (0)