Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hát ru có được hồi sinh?

Tạp Chí Giáo Dục

Liên hoan Hát ru, hò, lý 2011 tại TP.HCM. Ảnh: L.D.L

Theo GS.TS Trần Văn Khê thì hát ru có tầm quan trọng đặc biệt bởi đó chính là nét nhạc đầu tiên đến với con người từ lúc mở mắt chào đời. Những câu hát ru được rót vào tiềm thức chính là bài Giáo dục âm nhạc được ghi vào “bộ nhớ” của trẻ đến khi khôn lớn nên người. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại nhộn nhịp bây giờ, tiếng hát ru ngày càng vắng đi…
Một thực tế đáng buồn
GS.TS Trần Văn Khê phân tích:“Điều đáng tiếc là hiện tại, các bà mẹ không còn thời gian để ru con nữa. Thậm chí người ta còn chế tạo ra những chiếc nôi điện, có nhạc tân thời kèm theo, hoặc có khi bà mẹ có thể ru con bằng nhạc từ đĩa CD hoặc cho trẻ nghe nhạc từ đài phát thanh, truyền hình. Điều này dẫn đến việc gieo vào tiềm thức của trẻ các điệu nhạc mới, không mang tính truyền thống ru em dân tộc. Đành rằng, cuộc sống ngày nay có bận rộn hơn xưa, người mẹ thường đi làm nên phải gửi con ở nhà trẻ, nhưng họ đâu biết rằng có nhiều bản nhạc từ đài phát ra không phải thay tiếng hát ru để đưa trẻ vào giấc ngủ mà gieo tiết tấu kích động vào tiềm thức non nớt của trẻ thơ”. Anh Lê Hải (Q.3 –  TP.HCM) có đứa con trai đầu lòng gần hai tuổi nhưng cứ phải mở nhạc hiphop thì mới chịu ngủ cho, nếu không cứ khóc thét, dỗ sao cũng chẳng chịu nín. Chị Kim Xuyến hàng ngày bận bịu với việc buôn bán ở chợ Bến Thành nên rất ít thời gian dành cho hai cô con gái nhỏ. Chị bảo: “Đi bán từ sáng sớm đến chiều tối mới về nhà đã quá mệt, làm gì có thời gian để hát ru cho con ngủ. Tất cả tôi đều giao phó cho chị giúp việc lo. Thì nghe nhạc trẻ chúng cũng vẫn ngủ được chứ đâu có sao. Ngày xưa ông bà mình rảnh rỗi thì còn hát ru chứ bây giờ thì ai cũng bận rộn cả”.
Câu hát ru là một câu thơ, thường là lục bát hay câu văn biền ngẫu hát lên theo một nét nhạc êm đềm của từng vùng miền để đưa trẻ vào giấc ngủ. Nét nhạc không cần quá bay bướm, phức tạp, chỉ cốt sao cho phù hợp với lời thơ lục bát, với thanh giọng bổng trầm trong thi ca dân gian. Không chỉ có thế, tiếng hát ru còn là bài giáo dục âm nhạc, tình yêu đối với thi ca cho trẻ cũng như hun đúc tình yêu quê hương đất nước sau này. Thanh niên, thiếu nữ ở nông thôn gặp gỡ nhau trong lúc đi cày đi cấy, họ vẫn có thể cất lên những câu hò tình tứ đưa duyên một cách thuần thục. Đó chính là nhờ vốn liếng thi ca nét nhạc tiếp thu từ các bài hát ru nghe từ thuở nằm nôi.
Hát ru hồi sinh, bao giờ?
GS. Trần Văn Khê khẳng định, việc giữ gìn tiếng hát ru trong nếp sống người dân Việt Nam hiện tuy có phần khó khăn nhưng không phải là không thể thực hiện được. Gần đây có những băng video, CD, VCD về hát ru được phát hành, chứng tỏ rằng trong xã hội vẫn còn một số người chuộng tiếng hát ru. Ngoài ra, nhiều cuộc liên hoan hát ru cũng được tổ chức. Trong năm 2011, Liên hoan Hát ru, hò, lý do Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia.Liên hoan đã bổ sung thêm một loạt câu hát ru mới. Khán giả rất ngạc nhiên khi nghe nhiều bạn trẻ hát ru rất đúng hơi đúng giọng, hay cất tiếng hò ngọt ngào theo giọng Bến Tre, Cần Thơ, Bạc Liêu và Đồng Tháp.
Kế đến là Liên hoanTiếng hát ru phụ nữ Bắc Giang lần thứ III với các nội dungtrình bày một tiết mục hát ru theo làn điệu dân ca, thể hiện tiểu phẩm bằng lời ru về chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao kiến thức làm vợ, làm mẹ, đẩy mạnh phong trào nuôi con khỏe, dạy con ngoan, Liên hoan Hát ru ở Yên Thế và Vĩnh Phúc với nhiều thể loại phong phú, sinh động, hấp dẫn. Các khúc hát ru ngọt ngào, sâu lắng chứa chan tình yêu thương từ các vùng miền trong cả nước đã đem đến cho khán giả những xúc cảm trong tâm hồn, được người xem nhiệt tình hưởng ứng. Liên hoan đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là những câu hát ru và các làn điệu dân ca. Nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã lặn lội đi khắp các vùng đồng quê miền Nam, ghi lại rất nhiều bài hát ru từ lâu đã bị chìm trong quên lãng. Họ chẳng những sưu tầm, giữ gìn vốn cổ mà còn làm giàu cho di sản cha ông để lại bằng cách đặt những lời ru, câu hò, điệu lí. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tâm tư: “Tôi ước ao sao tiếng hát ru được các bà mẹ sử dụng trong cuộc sống hằng ngày để đưa trẻ vào giấc ngủ êm đềm. Chừng đó mới có thể vui mừng rằng hát ru đã được hồi sinh”.
Minh Tuyền
GS. Trần Văn Khê kể: “Sau buổi nói chuyện về hát ru gần đây, tôi rất vui khi có một số sinh viên viết thư cho tôi hứa rằng “Sau này, cháu sẽ tự hát ru con mình ngủ để con của cháu không chịu thiệt thòi vì mất bài Giáo dục âm nhạc đầu tiên như giáo sư đã dạy”…”.
 

Bình luận (0)