Y tế - Văn hóaThư giãn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Lệ Thủy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong những ngày mùa Thu tháng Tám, đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc hướng về kỷ niệm 104 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình – quê hương dấu yêu của Đại tướng, không khí kỷ niệm càng nồng đượm hơn bởi với người dân nơi đây, hình ảnh Đại tướng luôn hiện hữu tâm trí mỗi người.

Triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nơi an nghỉ của ông ở Vũng Chùa, Quảng Bình (Nguồn: TTXVN)

Từ sáng sớm, những cụ già, những cháu học sinh, đoàn viên thanh niên, cán bộ… đã nối nhau hướng về Nhà lưu niệm của Đại tướng bên bờ sông Kiến Giang (làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) để được kính cẩn nghiêng mình, dâng hương tưởng niệm vị Đại tướng tài năng, đức độ.

Mấy chục năm qua, năm nào ông̣ Nguyễn Tấn Vinh, nay đã 83 tuổi, người làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, cũng̣ đều đặn đến dâng hương tại nhà lưu niệm đúng ngày sinh của Đại tướng. Năm nay sức khỏe yếu đi nhiều, nên ông phải yêu cầu người con trai trưởng đưa đi.

Theo ông Vinh, chuyện gì có thể quên nhưng lịch sử đất nước và những con người làm nên lịch sử thì phải nhớ, phải hiểu sâu, hiểu cặn kẽ để tri ân. Và cũng vì vậy, ông̣ thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện hay về lịch sử lập làng, mở đất, mở nước, chuyện “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non” trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người làng của ông̣, là Tổng chỉ huy làm nên chiến thắng ấy.

Ông Võ Văn Vang, người làng Thượng Phong, xã Phong Thủy, năm nay tròn 80 tuổi, là thương binh. Đang ở nước Đức xa xôi ông vẫn không quên gọi điện nhắc nhở những người con đang ở quê nhà Lệ Thủy sắp xếp thời gian, thay ông thắp nén hương thơm tại nhà lưu niệm Đại tướng như một sự tri ân sâu sắc nhất.

Năm 13 tuổi ông Vang đã theo du kích làm cách mạng. Trong giai đoạn đẹp đẽ ấy, theo ông, niềm hạnh phúc và tự hào nhất là ông được tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy. Trong chiến dịch này, ông vinh dự được gặp Đại tướng khi trên đường kiểm tra trận địa.

Ông thường kể cho con cháu về kỷ niệm lần ông được gặp Đại tướng. Vừa thấy Đại tướng, ông đã mạnh dạn thưa chào và được Đại tướng ân cần bắt tay hỏi thăm. Khi biết được ông Vang là người cùng quê, làm cách mạng khi còn rất trẻ và đã từng tham gia nhiều trận đánh lớn như Mộc Châu, Nà Sản, đường 41, Mường Pồn, Đại tướng rất vui và không tiếc lời khen ngợi.

Đại tướng căn dặn ông Vang cùng các chiến sỹ từng li, từng tí, từ chuyện chặt cây làm hầm trú ẩn ra sao, ngụy trang cho công sự thế nào và ngay cả chuyện ăn ngủ cũng phải cẩn thận để phòng tránh bị bệnh tật, thú dữ, đảm bảo sức khỏe để còn chiến đấu lâu dài. Lời dặn dò của Đại tướng năm nào, bây giờ vẫn còn vẹn nguyên trong ký́ ức ông Vang.

Và cũng từ bao lâu rồi, bằng tất cả tấm lòng kính trọng và mến yêu, ông Vang đã dành vị trí đẹp nhất trong ngôi nhà của mình để treo hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp như để gợi nhắc về một tình cảm thiêng liêng, trân trọng mà khó nói thành lời. Ông thường nói về nhân cách lớn của Đại tướng và khuyên dạy con cháu phải cố gắng sống cho đẹp để xứng đáng là người công dân tốt trên quê hương của Đại tướng.

Ở vùng đất Quảng Bình – quê hương của Đại tướng, câu chuyện về Đại tướng không chỉ được các cụ ông, cụ bà lớp trước như cụ Vinh, ông Vang, mà ngay đến con trẻ ai cũng biết, cũng tường.

Như bao năm qua, hội bạn học niên khóa (1991-1994) Trường Trung học phổ thông Lệ Thủy của anh Lâm Tiến Dũng (quê ở xã Xuân Giang, huyện Lệ Thủy) lại tổ chức hội ngộ ở quê nhà để ôn lại truyền thống quê hương và kỷ niệm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc sống nhiều bộn bề của ngày hôm nay, họ thường khuyên nhau cố gắng rèn luyện bản thân, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống để xứng đáng là lớp con cháu sinh ra trên quê hương của Đại tướng.

Anh Dũng tâm sự, đã trở thành thông lệ, năm nào cũng vậy, chúng tôi, người xa, kẻ gần đều cố gắng sắp xếp công việc về đây để tri ân Đại tướng vì những đóng góp lớn lao cho đất nước, quê hương.

Năm ngoái, dù ở xa nhưng anh Dũng vẫn cố gắng lên thăm tỉnh Điện Biên để vừa trải nghiệm, vừa tìm hiểu thêm về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Trước đây, vì bận việc công nên Đại tướng ít về thăm quê. Nhưng mỗi dịp đón chào năm mới hay Quốc khánh 2/9, bao giờ Đại tướng cũng gửi thư chúc mừng, động viên quân và dân huyện nhà Lệ Thủy cố gắng vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đã gần một năm từ ngày Đại tướng ra đi, người dân trên quê hương Lệ Thủy hiểu rằng, từ đây họ sẽ không còn nhận được thư của Đại tướng như mọi lần. Tuy vậy, trong nỗi đau và mất mát khôn nguôi, hơn ai hết người dân nơi đây hiểu rằng, với tất cả tình yêu quê hương, Đại tướng đã chọn, đã về giữa lòng đất mẹ Quảng Bình nơi Vũng Chùa-Đảo Yến. Đại tướng luôn gần gũi, hiện hữu trong trái tim mỗi người dân nơi đây, với tất cả sự chân thành và sâu lắng nhất./.

Võ Thành

(TTXVN/Vietnam+)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)