Y tế - Văn hóaThư giãn

Ngược đời phim nhà nước – tư nhân

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thông tin hai bộ phim truyện nhựa do Nhà nước đặt hàng là Sống cùng lịch sử (Hãng phim truyện VN sản xuất) và Mộ gió (Hãng phim Nhã Phương sản xuất) “chết yểu” khi trình chiếu tại một số cụm rạp ở phía Bắc trong dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 qua, có thể nói thẳng, không gây ngạc nhiên cho dư luận.
Thứ nhất, định kiến phim đặt hàng hay phim Nhà nước đồng nghĩa với phim "cúng cụ", không hấp dẫn, từ lâu đã ăn sâu vào suy nghĩ của khán giả, không dễ gì xó bỏ.

Mộ gió – bộ phim đề tài biển đảo – đã "chết yểu" khi vừa ra rạp
Thứ hai, trên thị trường phim Việt, kể từ khi các hãng phim tư nhân lớn mạnh, khái niệm “hữu xạ tự nhiên hương” đã nên lỗi thời. Phim dù hay, nhất thiết cũng phải quảng bá huống hồ chi với hai bộ phim Nhà nước kể trên khán giả hoàn toàn “mù tịt” thông tin.
Phim được đầu tư tốn kém ra sao, công chúng chẳng được biết (Đúng ra khán giả chỉ được biết sau khi biết phim… không bán được vé, phải ngưng chiếu). Ngay những chi tiết cơ bản nhất như sơ lược về cốt truyện, đạo diễn thực hiện, diễn viên tham gia, thậm chí ngay cả cái tựa – yếu tố đầu tiên để người xem nhận diện về bộ phim – từ giai đoạn phim bấm máy đến khi ra rạp cũng không được phổ cập đến khán giả dẫu rằng tất cả những điều đó có thể thực hiện dễ dàng, không tốn kém thông qua việc lập trang facebook riêng cho phim.
Không được nhắc nhớ, không được kích thích trí tò mò, thử hỏi làm sao người xem có hứng thú để mua vé vào rạp khi mà xung quanh họ đầy rẫy những phim nước ngoài khác – hay, dở chưa biết nhưng ít ra thông tin về phim luôn đầy ắp, được cập nhật thường xuyên, cho họ một cơ sở để kỳ vọng (cho dù sau đó có thể thất vọng).
Trong khi phim Nhà nước luôn nói không với công tác quảng bá, tuyên truyền thì ngược lại các bộ phim tư nhân thường xuyên được lăng-xê, tung hê một cách tích cực, có khi dẫn đến thái quá.
Điển hình gần đây nhất là trường hợp của phim Mất xácLạc giới. Câu chuyện trong Mất xác hoàn toàn chẳng ăn nhập hay dính dáng gì đến vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường nhưng ê kíp làm phim cố tìm cách “ăn theo” những tình tiết trong vụ bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân để lôi kéo sự chú ý của người xem. Thậm chí trên trang cá nhân, đạo diễn còn lấp lửng ám chỉ mối dây tâm linh giữa thời điểm phim sắp ra rạp với tình tiết mới tìm được phần thi thể nạn nhân.
Để chuẩn bị cho ngày ra rạp bộ phim đề tài đồng tính Lạc giới vào tháng 10 tới, mấy ngày qua nam diễn viên chính của phim không ngần ngại gây sốc khi tuyên bố “có thể yêu người đồng giới nếu đó là người tốt, chân thành và đam mê trong tình yêu". Khi được đăng tải trên fanpage của phim, thông tin này chẳng mấy chốc đã thu hút được vài chục nghìn lượt xem.
Và khi công chúng còn chưa hết “ngạc nhiên chưa” với câu phát ngôn kia thì mấy ngày sau anh lại lên báo tiết lộ mình đã có vợ và có con 8 tuổi đang ở Mỹ.
Trước những phát biểu “tiền hậu bất nhất” của nam diễn viên, khán giả cũng không ai buồn tìm hiểu thực hư ra sao bởi đã quá quen với những chiêu trò PR của các phim tư nhân.
Phân chiều hai thái cực “áo gấm đi đêm” của phim Nhà nước và thổi phồng, thái quá của phim tư nhân đều có tác động mạnh đến thái độ tiếp nhận của người xem đối với bộ phim, từ đó trực tiếp ảnh hưởng đến sự thành bại về mặt doanh thu. Phim Nhà nước bị khán giả thờ ơ lãnh đạm vì phim làm với mục đích tuyên truyền nhưng người dân không được tuyên truyền để đi xem, còn phim tư nhân bị lên án vì cách PR “lố”.
Nghịch lý này tồn tại đã lâu trong thị trường làm phim nhưng nhiều năm qua những người trong cuộc vẫn chưa tìm ra cách giải quyết. Độ vênh, bất cập trong công tác chuyển tải thông tin giữa hệ thống phim Nhà nước và phim tư nhân suy cho cùng chỉ thiệt cho khán giả vì phim thì không có thông tin, phim thì thông tin thừa mứa đến mức nhiễu loạn.
Theo PNO


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)