Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

City tour với xe buýt

Tạp Chí Giáo Dục

15.000 đồng cho năm chuyến xe, chúng tôi đã có một ngày khám phá TP.HCM bằng xe buýt khá thú vị với những gì ngỡ chừng đã rõ bỗng mới mẻ hơn bao giờ.

Ngọc ghi lại một góc TP.HCM trước trụ sở Ủy ban nhân dân TP.HCM – Ảnh: Vi Thảo

Những mẩu tin tai nạn do xe buýt, những lần chạm mặt với “gã to kềnh” này trên phố, hình ảnh xe buýt trong chúng tôi và có lẽ cả với không ít người không được thiện cảm lắm. Thế nhưng nhiều lần chới với giữa dòng xe đông nghịt, ngửi khói xe đến nghẹt mũi, nhìn những hành khách trên xe buýt chúng tôi lại thèm được thử bỏ xế hai bánh để… “buýt” với Sài Gòn.

Tour 37.000 đồng

Lên danh sách những điểm đến, sau một buổi tối “ngâm cứu” sơ đồ, chúng tôi chọn dinh Thống Nhất là điểm đến đầu tiên trong tour “city bus”.

9g sáng mùa hè, Sài Gòn nắng cháy da. Thấy chúng tôi đội nắng đón xe buýt, anh bảo vệ một văn phòng cho chúng tôi trốn nắng trong sảnh. 15 phút, chuyến xe buýt số 31 đến trạm. Chúng tôi líu ríu chờ ở cửa trước, cửa vẫn đóng chặt dù chúng tôi gõ cửa ra hiệu với bác tài. Anh bảo vệ nói với theo: “Ra cửa sau đi. Cửa không mở sao cứ đứng hoài vậy”. Chúng tôi chạy vội ra cửa sau, vừa bước chân lên xe đã lăn bánh khiến chúng tôi chới với. Dòng chữ “lên cửa trước, xuống cửa sau” rành rành nhưng cánh cửa trước vẫn đóng chặt khi đón hành khách ở các trạm tiếp.

Trạm dừng trước Tòa án nhân dân TP.HCM nên chúng tôi quyết định khám phá Bảo tàng TP.HCM trước. Căn nhà 119 tuổi trước đây là tư dinh của thống đốc Nam kỳ, trụ sở của Cao ủy cộng hòa Pháp, là dinh Gia Long của Ngô Đình Diệm. Tại đây, chúng tôi thấy được những bức ảnh Sài Gòn – Gia Định xưa, để tí nữa đây ở mỗi điểm đến có thể so sánh và hình dung lại ngày ấy. Với vé vào cổng 5.000 đồng, chúng tôi thỏa thuê chiêm ngưỡng một chiều dài lịch sử…

Rời bảo tàng, chúng tôi đi bộ ngược đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dạo một vòng Tòa án nhân dân TP.HCM trước khi vào tham quan dinh Thống Nhất. Một bạn gái Hà Nội tên Ngọc mà chúng tôi bất ngờ gặp ở bảo tàng đã vui vẻ gật đầu làm bạn với chúng tôi trong tour đặc biệt này. Hơn 1 giờ khám phá kiến trúc độc đáo, xem lại những bức ảnh lịch sử ngày 30-4-1975, chúng tôi tự nhủ sau này sẽ rủ bạn bè vào lại vì rất nhiều người vẫn đi qua mỗi ngày mà có lẽ chưa một lần vào đây.

Rời dinh, Ngọc cùng chúng tôi ghé thăm nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố dù lúc nãy đã đến. Bao lần vào đây gọi điện, gửi thư chúng tôi chưa bao giờ dừng chân thêm vài phút để ngắm kiến trúc, để ngồi xem bác Dương Văn Ngộ, người viết thuê cuối cùng của Bưu điện Sài Gòn, tẩn mẩn dịch những dòng thư của khách hàng…

Tạm biệt những kiến trúc tinh xảo ở bưu điện đầu tiên của thành phố, chúng tôi đi dọc đường Đồng Khởi tham quan khách sạn Continental, Nhà hát TP, không quên quán cà phê Givral có từ thời Pháp thuộc bên kia đường. Dọc đường Lê Lợi, chúng tôi ghé thăm UBND TP.HCM, chợ Bến Thành…; dừng chân ăn tô bún mắm, uống ly trà đá giải khát ở một quán vỉa hè trước khi về trạm Bến Thành đón xe buýt đi Chợ Lớn.

Ông Dương Văn Ngộ, người viết thuê cuối cùng của Bưu điện Sài Gòn, đang dịch một bức thư của khách -Ảnh: Vi Thảo

“Bus tour”, tại sao không?

Cả buổi sáng, chúng tôi mất đúng 3.000 đồng cho một vé xe buýt và lội bộ một tí tẹo để khám phá trung tâm Sài Gòn.

Hơn 12g, chúng tôi đón xe buýt số 1 về bến xe Bình Tây. Ngôi chợ Bình Tây 81 tuổi nhộn nhịp đón chúng tôi giữa bữa trưa hè. Dắt Ngọc tham quan một vòng chợ, mua quà miền Nam cho bạn, mời Ngọc một ly nhãn nhục, chúng tôi tiếp tục đi xe buýt số 145 đến chùa Giác Lâm trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình). Không gian yên tĩnh của ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn với hơn 265 năm tuổi như xua đi cái nắng đổ lửa, cái nhộn nhịp bất tận của nơi đô hội nhộn nhịp này, nhất là khi ngắm thành phố từ tầng thứ bảy của bảo tháp Xá Lợi.

Ngược lại Âu Cơ, chúng tôi đón xe buýt số 38 về lại Bến Thành. Những câu chuyện rôm rả của một gia đình vừa đi chơi Đầm Sen về, của mấy cô mấy dì từ miền Tây lên thăm con khiến chúng tôi như quên đi cái mệt và mồ hôi ướt đầm áo. Xe đến trạm, chúng tôi đi tiếp tuyến số 20 qua bến cảng Nhà Rồng. Vừa đổ cầu Khánh Hội, dừng giữa đường anh phụ xe hối xuống thật nhanh khiến chúng tôi chúi nhủi trước dòng xe xung quanh.

Hoàn hồn, chúng tôi rảo bước qua đường tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cùng một đoàn khách, chúng tôi được nghe lại cuộc đời của Bác Hồ với những bức ảnh, bài báo, thư và cả những kỷ vật của Người. Trước tượng Bác, những bài học lịch sử về con đường cứu nước gian khổ của Bác như từng thước phim ùa về, chúng tôi bồi hồi kỳ lạ.

Xế chiều. Cô bạn Hà Nội chào tạm biệt. Còn chúng tôi rảo bộ ngược cầu Khánh Hội về đường Tôn Đức Thắng. Đã khá trễ nên chúng tôi đón tuyến xe số 19 đang chuẩn bị rời bến để đến Thảo cầm viên và Bảo tàng Lịch sử nhưng đến thì nơi này đã đóng cửa. Chúng tôi đành đi bộ ra đường Nguyễn Hữu Cảnh, về Tôn Đức Thắng thăm nhà thờ đầu tiên của Sài Gòn: nhà thờ thánh Phaolo.

Tản bộ bến Bạch Đằng, chúng tôi kết thúc tour đặc biệt của mình tại đây khi thành phố đã lên đèn trong cái mát dìu dịu đầy yêu thương của gió sông Sài Gòn.

… 15.000 đồng cho năm vé xe buýt, 22.000 đồng cho ba vé tham quan, chỉ với 37.000 đồng chúng tôi đã có một ngày thú vị với chính thành phố của mình. Với chi phí này, có lẽ nhiều du khách sẽ thú vị khi tận dụng xe buýt để khám phá Sài Gòn. Tiếc rằng nhiều điểm đến vẫn chưa có nhiều thông tin về mình, trừ dinh Thống Nhất, bảo tàng. Và buýt Sài Gòn vẫn thiếu những nụ cười thân thiện, món quà vô giá dành cho du khách.

VI THẢO (TTO)

Bình luận (0)