Y tế - Văn hóaThư giãn

Có nên làm bác sĩ không!?

Tạp Chí Giáo Dục

 

Ở đâu cũng nghe kêu là thiếu thầy thuốc giỏi. Ấy vậy mà các bác sĩ học ở nước ngoài trở về nước, muốn được hành nghề quả là khó khăn. Trước hết là phải trải qua một kỳ thi sát hạch. Đại diện ban giám khảo bao giờ cũng là một bác sĩ khả kính, giàu kinh nghiệm. Ông ta liên tục đưa ra câu hỏi:

 

– Anh về nước làm gì?

 

– Để được chữa bệnh ạ!

 

– Bác sĩ trẻ lễ phép.

 

 – Hừm, tất nhiên… Ngoài ra, anh còn làm gì nữa?

 

– Làm gì nữa… là thế nào?

 

 – Thế là thế… Tỉ dụ như anh có biết buôn bán, đóng phim, làm thơ, viết nhạc; hay biết đâu anh lại tiềm ẩn khả năng có thể làm bộ trưởng, làm chính khách…

 

– Dạ không. Tôi chỉ chữa bệnh thôi. Làm bệnh viện Nhà nước chắc lương không được bao nhiêu, nên tôi sẽ làm tư.

 

 – Chưa có học hàm, học vị gì mà anh định ra làm tư à? Hà… hà… Cứ cho thế đi. Thế thì ai dẫn khách đến cho anh?

 

 – Tức là dẫn bệnh nhân đến khám phải không?

 

 – Phải, khách ấy mà…

 

– Chắc là người bệnh tự đến…

 

– Làm sao bệnh nhân tự đến được?

 

– Nếu bệnh nặng thì có xe chở đến…

 

– Vậy ai chở người bệnh đến cho anh?

 

 – Người chở bệnh… Tôi chưa biết gọi họ như thế nào…

 

– À, đại loại là lái, như lái buôn ấy. Nếu không ai dẫn dắt lèo lái thì bệnh nhân đâu biết anh mà đến! Điều này ở nước ngoài người ta không dạy anh sao? Giờ anh trả lời cho tôi biết tiếp thế nào là hữu ái nghề nghiệp?

 

– Là tương trợ nhau, đúng không a?

 

– Hà hà… nhưng chắc anh chưa hiểu sát cái nghĩa “tương trợ” trong nghề của chúng ta. Giả dụ có người đến nhờ anh trị bệnh trĩ, anh khám xong rồi gởi đến một bác sĩ chuyên về phụ khoa. Này, anh đừng tròn mắt há mồm như vậy, rồi anh sẽ quen thôi. Anh bạn anh khám xong rồi lại gởi tiếp đến một người bạn khác chữa răng. Tay nha sĩ đó lại gởi đi khám da liễu. Da liễu lại gởi đi chiếu điện. Chiếu điện xong lại gởi đến nhãn khoa. Cuối cùng người bệnh bị gởi đến khoa thần kinh. Đến lúc ấy thì t h â  n kinh hắn gần như suy sụp. Nếu hắn còn đủ cơm ăn nước uống, thì rồi hắn sẽ tự khỏi. Còn không thì hắn sẽ chết, và có bách bệnh cũng hết. Chết rồi hắn còn phải rơi vào tay thầy thuốc một lần nữa, là giải phẫu lâm sàng. Thôi, còn giờ anh nói tiếp đi. Anh làm gì để được có tiếng, và nổi tiếng?

 

– Tôi sẽ chữa bệnh giỏi và sống có lương tâm…

 

– Trật lất! Anh nghe đây: Trước hết phải quảng cáo rùm beng trên báo trên đài là: “Khám cho người nghèo không lấy tiền. Hàng ngày sau bữa cơm trưa”. Khi khách đến đông, anh rút xuống chỉ khám 2 ngày trong tuần. Sau đó mỗi tuần 1 lần, rồi 1 tháng 1 lần. Khi khách kéo đến rần rần thì anh không khám suông nữa, rồi tăng dần tiền khám… Còn trường hợp nếu bệnh nhân đến khám mà không tìm ra bệnh, thì anh phải làm gì?

 

– Tôi sẽ bảo sức khỏe anh ta tốt…

 

– Hừm… Thế mà cũng đòi làm bác sĩ giỏi! Chẳng có ai trên đời này mà hoàn toàn khỏe mạnh cả. Ngay cả khi hắn không có bệnh đi nữa thì anh cũng phải cho hắn một cái đơn thuốc chữ viết ngoáy đến nỗi không ai có thể đọc được, bảo hắn cầm ra ra hiệu thuốc. Chú hiệu thuốc bao giờ cũng tìm ra vô số bệnh tật cho khách hàng. Ngoài ra, anh phải thường xuyên viết nhiều bài báo về những vấn đề dân trí, dân sinh, dân chủ… để mọi người thấy tài đức song toàn của anh. Rồi từ phẩm chất đó, anh mới có thể leo lên làm thị trưởng, bộ trưởng, chính khách… Đó, làm bác sĩ giỏi và có lương tâm là như thế, liệu anh có làm nổi không? Hay tốt nhất là anh quay trở lại chỗ anh mới học bên Đức bên Mỹ gì đó!

 

Trải qua một cuộc sát hạch như thế, tay bác sĩ trẻ điếng hồn. Anh ta lẩm bẩm: Mình có nên làm bác sĩ không?!  

 

AZIT NÊXIN (TTO)

Bình luận (0)