Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sống mãi những vần thơ về Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Bác đang vui cùng các cháu. Ảnh: I.T

Tôi có thói quen, nơi nào mở hội sách là tôi bước chân tới. Ngoài thư mục sách mới, sách của người lớn… thì những cuốn sách mà tôi đã từng đọc từ hồi bé luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ.
1. Vào gian hàng sách của Nhà xuất bản Kim Đồng trong Hội chợ sách (Công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM) năm nay, tôi như được trở về với quá khứ khi bắt gặp những cuốn sách từng một thời gắn bó cùng tuổi thơ của mình, trong đó có cuốn Tấm lòng chúng em. Mặc dù bìa sách lần này in rất đẹp, giấy tốt hơn nhưng tôi vẫn dễ dàng nhận ra “người bạn” thân thiết sau hơn 40 năm xa cách. Ký ức như được quay về. Tôi nhớ đây là cuốn sách tập hợp những tác phẩm của các em thiếu nhi viết về Bác Hồ đã được phổ biến rộng rãi vào những năm 60 của thế kỷ trước. Mới cầm cuốn sách trên tay mà trong tôi cả một kho kỷ niệm bỗng thức dậy. Kỷ niệm về Bác Hồ trong thời thơ ấu, kỷ niệm về tình cảm tràn đầy của những đứa trẻ ở một vùng quê xa xôi đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ngay từ hồi bước chân vào lớp 1, lứa tuổi của chúng tôi đã cảm nhận được tình cảm sâu sắc của thiếu nhi cả nước đối với Hồ Chủ tịch qua những bài tập đọc dễ đọc, dễ thuộc: “Ngày sinh nhật Bác đến rồi/ Cháu vui cháu sướng cháu cười cháu reo/ Bác yêu chúng cháu rất nhiều…”(Ngày sinh nhật Bác).Nhưng khắc sâu và lắng đọng nhất trong tôi là hình ảnh Bác trong một bài học (mà sau này tôi mới biết là của nhà thơ cách mạng Tố Hữu) được cô giáo cho tập viết hồi năm lớp 4. Ở đoạn thơ này, nhờ được nhà thơ miêu tả chi tiết và cụ thể nên Bác hiện ra trước mặt tôi đẹp như một ông Tiên vừa hiền hậu nhưng cũng rất gần gũi, thân quen: “Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước trên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng Người” (Việt Bắc). Trong lúc đó mấy đứa bạn tôi là con em cán bộ miền Nam tập kết lại rất thích bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ của nhà thơ Thanh Hải trong sách giáo khoa lớp 3. Những câu thơ giản dị như lời kể lại có sức cuốn hút lạ kỳ: “Đêm nằm cháu những bâng khuâng/ Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu…/ Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ/ Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn” và nhất là câu: “Bác ơi dù cách núi non/ Mà hình Bác vẫn trong lòng không xa” đã nói hộ được tình cảm của hàng vạn thiếu nhi bên kia giới tuyến ngày đêm hướng ra miền Bắc – nơi có Bác Hồ kính yêu đang ngày đêm hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
2. Nhưng, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng thì Bác Hồ đã ra đi. Ngày Bác mất để lại bao niềm thương tiếc cho mọi người, trong đó có những đứa trẻ như tôi. Sáng tinh sương ngày 3-9-1969, cha là người báo tin sớm nhất cho chị em tôi. Lúc đó ngồi bên chiếc đài bán dẫn với khuôn mặt đăm chiêu dù cha không khóc nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi đau đang lan tỏa trong ông. Bên ngoài mưa vẫn tầm tã như ngàn giọt lệ trút xuống cõi trần. Là trẻ con tôi đâu có hay mấy ngày trước đó cứ ăn cơm xong là ông ôm lấy chiếc đài để ngóng tin sức khỏe Bác Hồ đang nằm trên giường bệnh. Đến trường, sáng hôm đó không phải là đầu tuần nhưng nhà trường cho tập trung tất cả học sinh để thông báo ngày quốc tang. Không thấy ai còn cười nói, đùa nghịch hồn nhiên như hôm trước. Ở phía dưới nhìn lên, tôi thấy các cô giáo ở hàng ghế đầu mắt đỏ hoe, ngồi lặng im từ đầu đến cuối. Chiều. Đi lao động trồng sắn tôi thấy các anh chị lớp 6, lớp 7 đeo một dải băng đen nhỏ ở trước ngực. Cũng chẳng biết làm gì để biểu lộ tình cảm nên tôi nghĩ phải có được một dải băng tang để tỏ lòng thành kính và thương nhớ Bác. Tôi nhớ hôm sau người may cho tôi chiếc băng tang đặc biệt đó chính là chị Tẻo – một thiếu nhi Việt kiều cùng mẹ từ Thái Lan về nước được mấy năm. Nhà chị ở gần nhà tôi và có chiếc máy may con bướm. Cũng nhờ chị Tẻo mà tôi được biết thêm câu chuyện một thiếu nhi Việt Nam ở tỉnh Na-khỏn đã nhanh trí tìm cách cứu người cán bộ Thầu Chín (bí danh của Bác Hồ lúc sống và hoạt động cùng với kiều bào ta ở nước Xiêm nay là Thái Lan) thoát ra khỏi vòng vây truy đuổi của bọn mật thám Pháp. Khi chuẩn bị hồi hương cả bốn mẹ con chị rất vui mừng và hy vọng sẽ gặp được Bác Hồ trong ngày cập bến cảng Hải Phòng năm 1958. Thế nhưng do nhỡ chuyến tàu nên 2 năm sau gia đình mới về được Việt Nam. Cứ mỗi lần nhắc đến câu chuyện này, bà Trang – mẹ chị Tẻo – lúc nào cũng thấy tiếc vì đã lỡ mất một cơ hội lớn… Khi đeo chiếc băng tang màu đen lên người, tuy còn nhỏ nhưng tôi đã bắt đầu cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời mình.
3. Tôi lục trong tủ sách gia đình để tìm những cuốn sách viết về Bác. May mắn là vẫn còn hai cuốn nói về tình cảm của thiếu nhi đối với Bác Hồ mà cha đã mua cho chị em tôi. Ngước nhìn tấm ảnh treo trang trọng giữa nhà, tôi vẫn thấy nụ cười hiền dịu và đôi mắt tinh anh của Bác. Tấm ảnh đó là phần thưởng quý giá mà nhà trường đã tặng tôi trong buổi tổng kết cuối năm vì đạt danh hiệu học sinh giỏi nên tôi càng yêu quý hơn. Tấm ảnh còn gợi cho tôi nhớ về một bài thơ của Trần Đăng Khoa từng đăng trên Báo Thiếu Niên Tiền Phong 3 năm về trước: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/ Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà”(Ảnh Bác). Lời thơ mộc mạc, hồn nhiên của một đứa trẻ lên 8 nhưng ẩn chứa trong đó biết bao tình cảm thương yêu, kính trọng. Đọc thơ Trần Đăng Khoa tôi ước ao mình cũng có những câu thơ như thế, nhất là trong những ngày tháng đau buồn này. Rồi một tuần sau, nhờ đọc báo và nghe đài tôi đã tìm được sự đồng điệu của tâm hồn trẻ thơ qua những tiếng nấc nghẹn lòng về ngày Bác ra đi.
Đã từng nhìn thấy bạn bè rơi nước mắt vì những lỗi lầm trong cuộc sống nhưng chưa bao giờ bé Cẩm Thơ thấy nhiều đứa trẻ khóc như mấy ngày hôm nay: “Chưa bao giờ tất cả chúng em đều khóc/ Nước mắt chảy không kịp lau” (Khóc). Buồn và thương tiếc nhưng cô bé 9 tuổi vẫn ao ước có được một điều kỳ diệu: “Giá chúng mình được ngủ ngon một giấc/ Ngủ không cần ăn bánh đi chơi/ Để Bác Hồ sống mãi muôn đời”. Nguyễn Hồng Kiên lớn khôn hơn một chút nên đã cảm nhận nỗi đau thấu da thấu thịt: “Sáng nay đài báo từng câu/ Nghe xong tưởng quả địa cầu muốn tan”. Tuy không nghe rõ tiếng khóc nhưng hầu như ai cũng cảm nhận được nỗi đau quặn lòng của một đứa trẻ khi nghe tin Bác mất: “Cháu còn chưa kịp lớn lên/ Ước mơ gặp Bác ngày đêm cháy bùng/ Mà nay trời biển mênh mông/ Bác ơi, Bác có thấu lòng trẻ thơ!” (Bác có thấu lòng trẻ thơ). Cũng như bao đứa trẻ khác, mùa Trung thu năm ấy thiếu vắng Bác, cậu bé Châu La Việt (11 tuổi) không thể nào tìm lại được niềm vui như bao mùa trăng trước. Ăn một miếng bánh cũng thấy đắng lòng xót xa: “Bác ơi nay sắp đến rằm/ Bác sao đã mất nay trăng có tròn?/ Ăn bánh cũng chẳng thấy ngon/ Vì không có Bác vui cùng chúng em” (Trung thu)…
4. Từ đó, mỗi năm đến sinh nhật và nhất là ngày mất của Bác, tôi vẫn nhớ và đọc lại những vần thơ đó như một tiếng khóc đưa tiễn Người dù mình không còn là đứa trẻ lên 9, lên 10. May mắn hơn sau gần nửa thế kỷ đọc lại cuốn Tấm lòng chúng em tôi lại bắt gặp những vần thơ quen thuộc đến nay vẫn đang còn nguyên tình cảm sâu nặng của một thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam dành cho vị lãnh tụ kính yêu. Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, đối với tôi cuốn sách này thật vô giá và rất thiêng liêng.
P.N.Q

Bình luận (0)