Y tế - Văn hóaThư giãn

Mạch ngầm phù sa nơi phố thị

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chỉ ít ngày nữa là Festival Đờn ca tài tử Nam bộ tầm quốc gia sẽ khai mạc tại Bạc Liêu – một trong những cái nôi của âm nhạc tài tử Nam bộ, vùng đất rạng danh với người đã cho ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” – nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Có lẽ chính tình đất, tình người nơi đây đã nuôi dưỡng để âm nhạc tài tử ươm mầm, bén rễ không ngừng sum suê với những mùa quả ngọt hôm nay.
Đoàn nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn đờn ca tài tử ở Trung Quốc.
1. “Tôi lớn lên trong căn nhà của ngoại, căn nhà mà vừa bước tới cửa là đã nhìn thấy ngay một dàn nhạc lễ treo lơ lửng cả một căn phòng. Nơi đây, tiếng đờn ca tài tử đã có tự bao giờ mà lúc 5 – 7 tuổi, tôi đã thuộc lòng các chữ nhạc “hò xự… xang xê cống” và các điệu “ú liu phàn, liu phàn ú”. Những năm ra tỉnh học trung học, hễ chiều thứ bảy, chủ nhật là tôi lại về góp mặt trong ban tài của cậu tôi và các anh chị ở vàm Cổ Lịch, Tiền Giang.
Rồi những đêm trăng sáng mênh mông, trên dòng sông quê thơ mộng yên tĩnh ấy, tiếng đờn, giọng ca của nhóm tài tử ở vàm Cổ Lịch lại vang lên – những tiếng đờn, giọng ca như gợi thương gợi nhớ, như xốn xang lòng người – những thanh âm cứ chập chờn và thao thức mãi trong tôi”, soạn giả Ngô Hồng Khanh trải lòng.
Ngô Hồng Khanh đến với đờn ca tài tử thật bình dị và tình cờ, như người dân quê thở và sống mỗi ngày. Để rồi từ đó đờn ca tài tử theo ông đi khắp mọi miền đất nước, lúc ngoài chiến trường, khi ở hậu phương miền Bắc. Bên cạnh những bài ca hào hùng khí thế cách mạng thời ấy, hay những câu quan họ, giọng bài chòi mượt mà, lạ lùng thay, ở nơi đâu, mỗi khi câu vọng cổ, khúc nam ai, cung xuân điệu oán cất lên đều được người nghe và bạn bè đồng nghiệp thưởng thức, đón nhận nồng nhiệt, thâm tình…
Và cũng lạ thay, sau hơn nửa thế kỷ làm tài tử hát rong, ông lại bắt gặp những điệu xuân tình, trẻ trung, khúc nam ai u buồn, câu vọng cổ nhớ thương, cung xuân man mác, cung oán đoạn trường nhưng không phải ở làng quê năm xưa mà là ngay tại hầu khắp các quận huyện nội ngoại thành của TPHCM – một đô thị trẻ năng động và hối hả. Những lời ca vang lên trong lễ mừng công, trong đêm dạ hội, đám cưới hỏi, tiệc thôi nôi, trong lễ tang, những ngày cuối tuần tại tư gia, cơ quan, ngoài sân vườn…
2. Những ai từng đến với những buổi sinh hoạt nghệ thuật về âm nhạc tài tử tại nhà riêng của GS-TS Trần Văn Khê, chắc hẳn sẽ thấm thía, sẽ thấy phần nào sức mê hoặc của bộ môn nghệ thuật dân dã mà hàn lâm này.
Trong cái không gian nhỏ nhắn, ấm cúng ấy, những buổi sinh hoạt về đờn ca tài tử có sự góp mặt rất nhiều thành phần khán giả. Sư thầy Thích Phước Cường (quận 6) góp vui chương trình bằng bài Tây Thi rất bài bản, cô giáo Mai Mỹ Duyên (Trường đại học Văn hóa TPHCM) cũng góp sức với 12 câu Phụng hoàng ngọt ngào, GS-TS Trần Văn Khê ngẫu hứng “xin” ban nhạc cho ca thêm một bài cổ bản…
Nói như GS-TS Trần Văn Khê, đờn ca tài tử là cuộc tao ngộ đầy cảm hứng của khách tri âm, của người tri kỷ, là cuộc giao thoa, giao hòa và giao lưu giữa thiên nhiên thơ mộng và lòng người đa cảm, đa tình mà cất thành khúc nhạc lời ca. Không câu nệ, không hình thức, không khoảng cách. Tiếng đờn hòa với tiếng đờn, lời ca quyện với lời ca, họ có thể ứng tác, ứng tấu và sáng tạo liên tục. Đờn càng hay, ca càng hứng. Có được các yếu tố này nghĩa là đờn ca tài tử đã trở về đúng bản sắc truyền thống của nó. Một điều vui là những người trẻ tuổi đến với các buổi sinh hoạt ở đây ngày càng đông.
“Có thể chưa biết, chưa rành rẽ về bài bản nhưng các bạn ấy chịu nghe, chịu tìm hiểu là điều đáng mừng. Phải hiểu đờn ca tài tử thì mới có yêu thích, mới có ý thức giữ gìn”, GS-TS Trần Văn Khê không giấu niềm vui.
Đờn ca tài tử không chỉ thu hút đông đảo người dân trong nước, du khách nước ngoài mà cả người Việt ở hải ngoại. Cuối tháng 3-2014, đoàn 6 nghệ sĩ, nghệ nhân đờn ca tài tử của TPHCM cùng với GS-TS Trần Quang Hải đã có chuyến biểu diễn phục vụ tại Pháp.
Thông tin từ Ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014 do Bạc Liêu đăng cai tổ chức, các khâu chuẩn bị cho liên hoan (sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 29-4 tới) đến nay đã hoàn tất. Tham gia liên hoan quy mô nhất từ trước đến nay có đông đảo nghệ sĩ, nghệ nhân đờn ca tài tử đến từ 21 tỉnh thành Nam bộ. Liên hoan có nhiều hoạt động: Tái hiện không gian đờn ca tài tử Nam bộ; chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của hai soạn giả Trọng Nguyễn và Yên Lang (diễn ra ngày 24-4); khai mạc Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia; triển lãm trưng bày nhạc cụ dân tộc; khánh thành Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu…
 

Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)