Y tế - Văn hóaThư giãn

Chèo hay “kịch cắm chèo”?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong xu hướng cách tân nhiều loại hình nghệ thuật, có một luồng ý kiến cho rằng, phải cách tân chèo để thu hút khán giả trẻ. Tuy nhiên, điều này không hẳn đã được các nhà viết kịch, các nhà nghiên cứu đồng tình.
Một nỗ lực lớn nhất của các nhà hát, các đơn vị chèo hiện nay đó là cố gắng đưa chèo gần hơn với khán giả. Với phương châm “khán giả không đến rạp thì người hát chèo sẽ tìm đến khán giả”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sai lầm của nhiều đơn vị là đã cách tân chèo để thu hút khán giả. Song, hiệu quả chưa thấy, chỉ thấy chèo đã thành “kịch cắm chèo”.
Nhìn qua kết quả cuộc thi Nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 kết thúc tối 1/11 vừa qua gần như được phủ sóng bởi các tác phẩm tuân thủ chặt chẽ tính đặc trưng thể loại của chèo truyền thống, bất chấp thực tại, nhiều vở chèo đang được cách tân. Giải thưởng của cuộc thi cũng đã khẳng định, sân khấu chèo dù hiện đại hay truyền thống, muốn thu hút khán giả phải được đầu tư kỹ lưỡng.
Liên hoan Sân khấu chèo chuyên nghiệp 2013 có 17 nhà hát và đoàn chèo trên toàn quốc tham gia với 24 vở diễn. Kết quả Huy chương Vàng được trao cho 3 vở diễn, gồm: “Vương nữ Mê Linh” của tác giả Nhật Linh, đạo diễn NSƯT Trịnh Thúy Mùi, Nhà hát Chèo Hà Nội; “Người thầy của muôn đời” của tác giả Nguyễn Hiếu, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, Nhà hát Chèo Quân đội; “Chuông ngân rừng trúc” của tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ, Nhà hát Chèo Hải Dương.

Cảnh trong vở "Vương nữ Mê Linh"
Nhìn qua giải thưởng, những vở diễn lịch sử vẫn khẳng định vị trí của chèo truyền thống trong bối cảnh nhiều người muốn cách tân chèo.
Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn, người vẫn được mệnh danh là "vua chèo đất Bắc" nhận định: “Theo tôi, để nói cách tân chèo mới thu hút được khán giả thì phải có căn cứ. Đừng thấy rạp đông mà tưởng là bán vé được. Kể cả đơn vị nào đó công bố rằng họ bán được nhiều vé nhờ những vở chèo cải tiến thì cũng cần có điều tra cụ thể xem vé bán theo hình thức nào.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào việc bán vé ở các nhà hát để nói chèo không có khán giả thì cũng không đúng. Chèo vốn không có “đất” ở các trung tâm thành phố lớn. Đất của chèo là vùng quê, tỉnh lẻ. Một đoàn nghệ thuật địa phương trung bình một năm diễn trên 120 suất hợp đồng thì không thể nói khán giả hôm nay quay lưng với chèo”.
Khán giả không quay lưng, quan trọng là chèo sẽ làm thế nào để đến với khán giả. Những năm trở lại đây đoàn chèo Nam Định đã tổ chức diễn lưu động tới các vùng quê, lễ hội, trong trường học, đồng thời bám sát tổ chức biểu diễn qua các lễ hội làng, lễ đón bằng di tích lịch sử-văn hóa, các điểm khánh thành nhà văn hóa, từ đường dòng họ, nhà thờ…
Còn với Thái Bình, việc dạy hát chèo, diễn chèo được các địa phương trong tỉnh coi là một hoạt động trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Việc mở lớp dạy hát chèo thường xuyên được các địa phương trong tỉnh duy trì vào dịp nông nhàn được đông đảo các lứa tuổi hào hứng tham gia. Câu lạc bộ chèo được thành lập ở nhiều thôn làng là cơ sở để Thái Bình cung cấp những tài năng chèo cho cả nước.
Với kinh nghiệm của mình, ông Trần Đình Ngôn cho rằng: “Thực tế từ các đoàn chèo nhiều năm qua cũng khiến tôi có thể khẳng định rằng, khán giả thích xem chèo truyền thống hơn là hình thức sân khấu vẫn được gọi tạm là chèo cách tân. Khán giả trẻ không phải khán giả của chèo nên đừng cố cách tân để thu hút họ.
Khán giả của chèo là khán giả trung niên. Xưa cũng thế mà nay cũng thế. Chèo vốn không sôi động nên chưa bao giờ hòa nhập với người trẻ. Xưa thanh niên tìm đến chiếu chèo với mục đích giao lưu, tìm bạn là chính. Thơ Nguyễn Bính ấy, cô gái trong bài "Mưa xuân" đi “hội Chèo làng Đặng” chỉ để tìm người yêu, người yêu không đến thì cô ấy bỏ về chứ có ở lại xem chèo đâu”.
Như vậy, không phải cứ cách tân là đến được với người trẻ. Bởi nghệ thuật truyền thống, vốn đã như tên gọi của nó, phải giữ được những giá trị truyền thống.
“Đại đa số khán giả đang hướng về những tác phẩm giàu chất chèo. Một vở chèo có những trò vui vẻ hài hước cũng lấy được sự hưởng ứng của người xem.
Nhưng chỉ khi nào người diễn viên trên sân khấu cất lên một câu hát hay mới làm người ta nức lòng vỗ tay tán thưởng. Cuối cùng thì người ta đi xem chèo vẫn là để nghe hát chèo chứ không phải xem một vở kịch có pha hát chèo”, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn.
theo NNVN

 

Bình luận (0)