Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Làng gốm Thanh Hà

Tạp Chí Giáo Dục

Làng gốm Thanh Hà cách khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam chừng 3 cây số và đã hình thành, tồn tại từ hơn 500 năm qua. Cùng với những lưu  dân Thanh Hoá nam tiến, tổ tiên nghề gốm Thanh Hà đã dừng lại nơi đây bởi vị trí rất thuận tiện cho việc giao lưu, buôn bán. Nghề gốm xứ Bắc bén duyên cùng kỹ thuật đất Quảng để rồi hình thành một làng nghề với các sản phẩm phong phú, sắc sảo.
Những lò nung gốm lâu đời ở làng gốm Thanh Hà. Ảnh: Hải Đường.

Các sản phẩm của làng là gốm thô, không men với các chủng loại như con thổi, nồi, chậu, ấm, hũ, bồng binh, cối, trả, chum vại, bình hoa, chậu kiểng, chân đèn… đẹp, nhẹ hơn hàng đất nung ở nơi khác đã trở thành những sản phẩm được ưa chuộng.
Người thợ gốm Thanh Hà còn làm ra gạch và ngói âm dương phục vụ việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đô thị cổ Hội An. Các nghệ nhân gốm Thanh Hà ngày xưa từng được các vua nhà Nguyễn mời ra Huế để chế tác những sản phẩm đặc biệt phục vụ cho sinh hoạt cung đình, có người được phong hàm bát phẩm, cửu phẩm. Và như thế, từ thế kỷ XVI, XVII, Thanh Hà đã trở thành một làng nghề thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp nơi.
Từ khi du lịch Hội An phát triển, làng nghề truyền thống được phục hồi. Các nghệ nhân tâm huyết cũng ra sức vực làng nghề sống dậy. Lò nung đỏ lửa quanh năm. Nhiều chủng loại, mẫu mã mới được sáng tạo theo nhu cầu của khách và theo đà phát triển của du lịch. Các nghệ nhân của làng như Lê Trọng, Lê Lành, Phạm Thị Sa… vẫn tâm huyết với nghề nên đã vận động gần 20 hộ gia đình cùng sản xuất các mặt hàng đặc trưng của làng.
Hiện nay, làng gốm đang sản xuất gạch, ngói đúng tiêu chuẩn để trùng tu các di tích cổ. Các sản phẩm của làng ngày càng phong phú như: tò he – con thổi với mẫu mã 12 con giáp, đèn lồng gốm đỏ, gạch hoa gốm, nhiều hình mẫu, con vật, phù điêu, mặt nạ… dùng để trang trí trên tường, hàng rào… được đông đảo khách hàng ưa chuộng, xuất cả ra nước ngoài. Gần đây, sản phẩm của làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, càng giúp cho uy tín của làng tăng cao.
Sáng ngày 23-2, (mồng 10 tháng Giêng năm Canh Dần), lễ cúng tổ làng gốm Thanh Hà đã diễn ra long trọng tại miếu Nam Diêu, khối 5 phường Thanh Hà, thành phố Hội An.
Từ sáng sớm, nhiều nhà trong làng đã dậy sớm lo mâm cúng tại gia và sau đó về tham gia đoàn rước của làng từ đình Thanh Chiếm về miếu đình Nam Diêu. Lễ cúng tổ nghề được tổ chức long trọng tại đây trong tiếng chiêng trống rộn ràng, trầm hương thơm ngát. Các bô lão và dân làng thành kính dâng lễ vật, cúng tế tổ nghề và ngưỡng vọng công đức tiền nhân đã dựng làng, dạy nghề và lưu giữ nghề truyền thống đến hôm nay. Bà con cũng cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làng nghề phát triển.
Sau lễ cúng tổ, các hoạt động vui chơi được tổ chức trong hai ngày 23 và 24-2 như cuộc đua thuyền truyền thống và các cuộc thi chuốt gốm, nặn 12 con giáp, nấu cơm nồi đất, thi đập niêu, xem hát bài chòi…

Từ năm 2001, làng nghề được thành phố Hội An đưa vào tour tham quan khá hút khách bởi khung cảnh đẹp của làng quê Việt Nam cùng những sản phẩm thủ công bắt mắt. Không chỉ tham quan, du khách còn có thể tham gia nặn, chuốt gốm thành những sản phẩm mà mình yêu thích. Hàng năm, có chừng 10.000 du khách trong nước và quốc tế đã chọn làng gốm Thanh Hà làm điểm đến cho tour du lịch Hội An của mình.

Theo TBKTSG

Bình luận (0)