Trong các dòng sông ở Việt Nam, Đuống có lẽ là dòng sông có mật độ các di tích lịch sử hai bên bờ dày đặc nhất. Sông dài gần 70 cây số, điểm đầu là ngã ba Dâu (huyện Đông Anh, Hà Nội), điểm cuối là ngã ba Mỹ Lộc (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) nối sông Hồng với sông Thái Bình.
Phía bờ Bắc sông là nơi phát tích của triều Lý, phía bờ Nam sông – thành Luy Lâu – là thủ phủ suốt gần một ngàn năm Bắc thuộc đã để lại rất nhiều làng cổ, chùa cổ và các di tích, đền thờ hai bên bờ sông.
Hoa nở dọc triền đê |
Dạo chơi trên đường đê sông Đuống là thú vui của nhiều người trẻ Hà Nội. Đáng tiếc là con đường đê tuyệt đẹp này chỉ dành cho những du khách đi xe hai bánh chứ không thể phục vụ những đoàn khách trên các xe du lịch lớn.
Triền sông Đuống đẹp nhất vào khoảng tháng 11 – 12, khi nắng thu còn dịu, trời chỉ hơi se lạnh và hoa dại vàng rực nở bạt ngàn. Hai bên sông là cảnh làng mạc Bắc bộ xinh đẹp yên bình với những lớp nhà ngói nâu, lũy tre, đồng lúa…
Một đoạn đường đê |
Cứ đi vài cây số, những ai yêu thích kiến trúc cổ và những câu chuyện thần thoại, lịch sử lại sẽ phải dừng chân trước một mái đình cổ, một ngôi chùa tuổi đời gần ngàn năm, một đền thờ hứa hẹn nhiều câu chuyện ly kỳ. Một trong số đó là lăng Kinh Dương Vương cổ kính nằm trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, rợp bóng cây cổ thụ.
Rồi từ đê sông Đuống đi khoảng 300 mét vào thôn Á Lữ là gặp đền thờ Kinh Dương Vương rộng đến 3.000 mét vuông, cảnh quan rất đẹp. Bên trong hậu cung đền có ba ngai thờ: Ngai Kinh Dương Vương đặt ở gian giữa, ngai Lạc Long Quân ở bên phải, ngai Âu Cơ đặt ở bên trái. Ngoài các đồ thờ cúng, đền có lưu giữ 15 đạo sắc phong bằng chữ Hán thời Nguyễn, khẳng định đền thờ Kinh Dương Vương là lăng tẩm đế vương, có một sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 33.
Cổng vào khu lăng mộ Kinh Dương Vương |
Trong khuôn viên lăng mộ |
Từ lăng Kinh Dương Vương đi một đoạn là đến chùa Bút Tháp tòa ngang, dãy dọc thâm nghiêm với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ độc đáo tài tình, có nhiều tượng Phật và cổ vật quý. Sông Đuống còn đi qua làng tranh Đông Hồ, rồi từ đó rẽ ngang thêm vài cây số là đến đền Bình Ngô – nơi thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ.
Một góc chùa Bút Tháp |
Sông Đuống chảy hơn nửa đường về phía Đông thì gặp dãy núi Thiên Thai, tạo nên một vùng phong cảnh hữu tình. Từ đây, lại hàng loạt làng thờ An Dương Vương – Mỵ Châu. Đến gần cửa sông Lục Đầu Giang là cụm làng thờ Cao Lỗ Vương: Đông Trung, Bình Than, Văn Than, Kênh Phố, Tiểu Than…
Một buổi chiều dạo chơi hai bên bờ sông Đuống, du khách không chỉ được tận hưởng cảnh đẹp đồng quê, mà còn chiêm nghiệm được bao điều thú vị trước bề dày lịch sử vùng Kinh Bắc – cái nôi của văn hóa Việt Nam.
Theo CẨM TÚ
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Bình luận (0)