Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mạo hiểm để thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

 Giám đốc Vũ Quốc Hưng kiểm tra dây chuyền sản xuất nước uống Pha Lê

Nói đến ngành dịch vụ ăn uống của Hà Nội xưa và nay, người ta không thể không nhắc tới Thủy Tạ, một thương hiệu gắn bó với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nằm ngay bên cạnh Hồ Gươm, vị trí của Thủy Tạ được coi như “mặt tiền” của Hà Nội. Trước mặt trông ra phố cổ, đằng sau lưng dựa mặt hồ. Chính cái thế “đắc địa” này đã đặt Thủy Tạ trước nhiều cơ hội và thách thức.

Phát huy truyền thống

Tính đến nay, Thủy Tạ đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển. Thời gian ấy với lịch sử đất nước chỉ là một khoảnh khắc, nhưng với một doanh nghiệp, một đời người, đó đủ để làm nên một sự nghiệp, đủ để chiêm nghiệm lẽ đời. Thủy Tạ cũng vậy.

Cái thế “đắc địa” cũng chỉ là một yếu tố khởi đầu thuận lợi chứ không phải là “cây đũa thần” có thể giúp Thủy Tạ vượt qua khó khăn. Năm 1986, thời kỳ đất nước chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, Thủy Tạ như một con tàu đã cũ nát đang chờ chìm vì vướng về cơ chế, thiếu vốn làm ăn và đặc biệt là mất phương hướng. Lúc đó, nếu không có “cái đầu” quyết đoán của người nữ giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Điểm, cùng sự đồng cam cộng khổ của tập thể cán bộ công nhân viên trong công ty thì sẽ không có Thủy Tạ ngày nay. công ty đã tiến hành tinh giản bộ máy, đa dạng ngành nghề. Một mặt tiếp tục giữ lấy nghề kinh doanh ăn uống làm chủ đạo, mặt khác lao vào kinh doanh các mặt hàng đang hút khách: điện máy, tạp phẩm, mỹ nghệ, dịch vụ ngành ảnh… Chính cách làm “lăn xả” kiểu này đã giúp Thủy Tạ có thêm vốn để vượt qua khó khăn, đảm bảo được đời sống cho cán bộ công  nhân viên, đồng thời nâng cấp và củng cố lại hệ thống nhà hàng. Tuy nhiên cái thế vững vàng của Thủy Tạ hôm nay lại được tạo ra bởi một quyết định mang tính táo bạo và đột phá: sản xuất công nghiệp.

Bắt mạch thị trường                                                 

Khởi đầu cho sự nghiệp sản xuất, Thủy Tạ đã chọn mặt hàng kem cao cấp với một dây chuyền sản xuất kem hiện đại của Italia công suất 1 triệu lít/năm. Bước đi này được đánh giá là táo bạo và mạo hiểm vì lúc đó thị trường vẫn còn nghèo, sơ cấp. Mọi người vẫn phải lo ăn từng ngày thì sản phẩm làm ra sẽ khó tiêu thụ. Nhưng cách nghĩ của Thủy Tạ lại khác: Cuộc sống luôn chuyển động theo hướng đi lên, do vậy nhu cầu về hàng cao cấp sẽ là một thị trường rất lớn nhưng chỉ có cách đầu tư vượt trội mới mong bứt phá và xây dựng thương hiệu thành công. Những mẻ kem đầu tiên của Thủy Tạ  với 14 loại sản phẩm đã được thị trường đón nhận. Đến nay với hơn 48 loại kem làm ra đến đâu tiêu thụ hết tới đó, thương hiệu kem Thủy Tạ đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội.

Hiện nay, hướng đi đúng đắn của các bậc tiền bối tiếp tục được các thế hệ cán bộ phát huy và ngày càng phát triển. Ngoài nhà máy kem ở Lương Yên (Hà Nội), công ty đã mở rộng sản xuất sang Hưng Yên với một nhà máy chế biến thực phẩm và nước giải khát, tổng giá trị đầu tư 50 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ đạo của nhà máy này là đá viên tinh khiết Pha Lê, nước uống tinh khiết Pha Lê đã dần chiếm lĩnh thị trường và khẳng định tên tuổi trong các cuộc thi uy tín như Sao Vàng Đất Việt, Hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền. Các nhà hàng và dịch vụ của Thủy Tạ cũng trở thành điểm đến tin cậy của các đoàn khách ngoại giao cũng như là nơi tiếp khách thú vị của nhiều lãnh đạo cao cấp nước ta.

Hướng tới 1.000 năm Thăng Long, hiện Thủy Tạ đang chuẩn bị  dời nhà máy kem ở Lương Yên sang khu công nghiệp phố Nối A (Hưng Yên) để châu về Hợp Phố. Lúc đó, ngoài việc nâng công suất hoạt động,  công ty sẽ  đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất kem công nghệ mới chưa từng có ở Việt Nam. Sản phẩm làm ra chắc chắn sẽ gây “bất ngờ lớn” cho thị trường – Giám đốc Vũ Quốc Hưng khẳng định. Và phân khúc thị trường cao cấp sẽ tiếp tục là mục tiêu lớn mà Thủy Tạ theo đuổi.

 

Mai Lan (dddn.com.vn)

 

Bình luận (0)