Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính – Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định tăng trần giá vé máy bay là không thể đừng vì các hãng hàng không đang gặp lỗ. Phương án giá đã được cân nhắc với mức tăng dự kiến là 22,7%.
– Vừa qua, các hãng hàng không đã đề nghị điều chỉnh giá trần vé máy bay, với nhiệm vụ là cơ quan thẩm định, Cục Quản lý Giá có quan điểm gì?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính. |
– Hiện tại, tất cả các hãng hàng không đều có văn bản đề nghị điều chỉnh trần tối đa giá vé máy bay trên trục nội địa. Trong đó, có hãng đề nghị điều chỉnh tăng trên 20%, có hãng đề nghị tăng 40-50%. Chúng tôi cho rằng, việc các hãng hàng không đề nghị tăng giá vé là phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề là cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh ở mức tăng bao nhiêu và thời điểm nào áp dụng. Cái này đang được chúng tôi cân nhắc kỹ.
Sở dĩ chúng tôi đồng tình việc tăng giá trần vé máy bay nội địa là vì trong chi phí cấu thành giá vé đã có rất nhiều yếu tố thay đổi theo hướng tăng. Chẳng hạn như các chi phí tác động bởi tỷ giá chiếm 71% tổng chi phí của các hãng vận chuyển, như chi phí nhiên liệu, thuê mua tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng, đại tu máy bay, thuê phi công nước ngoài… Vừa qua, Việt Nam cũng điều chỉnh tỷ giá, tăng 9,3% so với trước. Bên cạnh đó, giá dầu (chiếm 36% chi phí toàn mạng bay) cũng tăng khoảng 31%. Ngoài ra, đơn giá thuê tàu bay cũng tăng 1%, còn chi phí đại tu tàu bay cũng tăng 28%…
– Nguyên tắc để tăng trần tối đa giá vé máy bay nội địa là gì, thưa ông?
– Nguyên tắc để chúng tôi sử dụng làm căn cứ tăng trần giá vé máy bay lần này là tiến dần đến xóa bao cấp, bù đắp chi phí sản xuất để doanh nghiệp có lời. Riêng khung cự ly đường bay ngắn sẽ được chúng tôi thực hiện mở theo lộ trình thích hợp, tiến tới bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất để các hãng hàng không có thể đảm bảo hoạt động và kinh doanh bình thường.
Đối với các đường bay có nhiều hãng hoạt động (từ 2 hãng trở lên), nghĩa là đã có cạnh tranh, trước mắt chưa bỏ được giá trần thì chúng tôi sẽ nới rộng khung.
Cục thể, chúng ta sẽ điều chỉnh giá trần để bù đắp các yếu tố đầu vào được cho là tăng do khách quan, bất khả kháng và nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp như giá nhiên liệu bay, xăng dầu, thuê tàu bay, phi công nước ngoài… Còn các chi phí khác có thể tác động làm tăng chi phí vận tải mà doanh nghiệp kiểm soát được thì họ phải chủ động tiết giảm chi phí, đảm bảo ổn định (như chi phí điện nước, quản lý, nhân công…).
Trên cơ sở đó, chúng tôi tính toán, tổng mức tăng trần theo tỷ lệ thích hợp cho từng cự ly vận chuyển, khoảng cách của đường bay. Trong đó, đường bay ngắn sẽ có tỷ lệ điều chỉnh cao hơn các đường bay tầm trung và tầm xa để giảm lỗ cho doanh nghiệp. Vì khi cân đối được chi phí, giảm áp lực lỗ sẽ khuyến khích được các hãng hàng không tham gia khai thác dịch vụ vận chuyển. Đây là các nguyên tắc mà Cục Quản lý Giá, Cục Hàng không VN và Vụ quản lý ngành của Bộ Giao thông Vận tải thống nhất trong cuộc họp mới đây để báo cáo lên lãnh đạo cấp cao.
– Để giảm áp lực lỗ cho doanh nghiệp, khuyến khích cạnh tranh, tại sao chúng ta không bỏ ngay trần giá vé máy bay như các hãng hàng không đề nghị?
– Quan điểm của chúng tôi là sẽ tiến tới xóa bỏ giá trần đối với các đường bay đã có cạnh tranh. Theo đó, chúng tôi chỉ kiểm soát giá trần đối với các đường bay còn vị thế độc quyền. Tuy nhiên, mức giá trần này cũng phải thỏa mãn nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí vận tải trên tất cả các tuyến bay nội địa, tạo điều kiện cho các hãng hàng không khai thác trên tất cả các trục bay. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh giữa các hãng vận chuyển trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, chúng ta phải tiến hành sửa Luật Hàng không và thực tế phải có sự cạnh tranh thực sự trên các đường bay này.
– Việc tăng giá vé máy bay được xem là không thể đừng, vậy các cơ quan liên bộ đã thống nhất mức tăng là bao nhiêu, thưa ông?
– Với nguyên tắc trên và căn cứ vào các yếu tố chi phí trong giá thành vận tải và biến động của các yếu tố đầu vào thì mức tăng bình quân mà chúng tôi dự tính là 22,7%. Mức tăng 22,7% này được chúng tôi căn cứ vào rất nhiều yếu tố, cơ cấu giá thành, chi phí đầu vào của doanh nghiệp… Trong đó, ảnh hưởng của tỷ giá đến chi phí vận tải tăng 9,2%, chi phí nhiên liệu 7,5%, lương thuê phi công nước ngoài tăng 1,5… và nhiều yếu tố khác nữa. Mức tăng này đã được các chuyên gia của Liên bộ Tài chính – Giao thông Vận tải rà soát kỹ.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang kiểm tra lại lần cuối kết quả của Tổ thẩm định để có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Tài chính xử lý theo đúng quy định.
Nguồn VNEXPRESS
Bình luận (0)