Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đang được áp dụng đối với ngành
nuôi cá tra Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên, WWF “chơi xấu” ngành cá tra của Việt Nam. Tháng 11/2010 bằng việc đưa cá tra vào "danh mục đỏ" trong cuốn cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng năm 2010-2011 phát hành tại 6 nước EU (bao gồm Đức, Áo, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch), WWF đã chuyển cá tra từ “danh sách da cam” – những sản phẩm mà họ khuyên cân nhắc sử dụng trong tài liệu phát hành những năm trước đó sang “danh sách đỏ” – sản phẩm không nên sử dụng.
Hành động của WWF là đi ngược thực tế. Hiện tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng thành công hệ thống truy xuất nguồn gốc với công nghệ hiện đại định vị bằng tần số vô tuyến. Đã có 20 công ty ở Việt Nam với 40 vùng nuôi cá tra đã được EU cấp chứng nhận GlobalGAP – tiêu chuẩn cao nhất của ngành nuôi thủy sản có trách nhiệm và bền vững toàn cầu.
Sau những cuộc làm việc giữa đại diện của WWF và ngành thủy sản Việt Nam vào tháng 12/2010, WWF đã phải dỡ bỏ cá tra ra khỏi "danh sách đỏ". Đồng thời, WWF đã ký kết với VASEP bản thỏa thuận hợp tác lâu dài để đưa cá tra được chứng nhận phát triển bền vững toàn cầu. Thế nhưng, trong khi hai bên đang triển khai hợp tác rất tích cực, thì WWF lại thêm một lần nữa cố tình bôi xấu cá tra Việt Nam trên truyền hình Đức.
Mặc dù, ông Catherine Zucco đã giải thích chương trình được thực hiện để chuẩn bị cho đối thoại nuôi trồng thủy sản do WWF chủ trì nhằm xây dựng hệ thống chứng nhận chất lượng cá tra của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC). Tuy nhiên, những điều mà ông Catherine Zucco nói về hiện trạng nuôi trồng cá tra của Việt Nam mất vệ sinh là hoàn toàn bịa đặt.
Theo VASEP, mặc dù tiêu thụ cá tra của Việt Nam tại thị trường châu Âu đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi WWF, nhưng “cây ngay không sợ chết đứng”. Cá tra là một trong những loài cá nuôi nước ngọt quan trọng hàng đầu, cung cấp thực phẩm có chất lượng dinh dưỡng cao, an toàn, giá rẻ cho người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam cung cấp hơn 95% cá tra thương phẩm cho thị trường thế giới, với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm.
Mới đây, thêm 53 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tiếp cận thành công thị trường châu Âu, nâng tổng số doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được những yêu cầu chế biến và xuất khẩu cá tra khắt khe của thị trường này lên 379 doanh nghiệp.
Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cũng đang được áp dụng đối với ngành nuôi cá tra. Các trại nuôi cá đang tiến hành xin chứng nhận từ các tổ chức như Global GAP, ASC, Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) hoặc Friends of the Sea và Naturland. ASC hiện đang tập trung xây dựng chương trình chứng nhận riêng.
Cá tra Việt Nam cũng đang dần thoát khỏi những “đòn chơi xấu” của giới nuôi trồng cá nheo tại Mỹ. Vào năm 2010, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đòi áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam tới 130%. Nhưng mới đây, DOC trong quyết định cuối cùng thuế chống bán phá giá lần 6 này đều có mức thuế thấp hơn so với thuế suất trong kết quả sơ bộ công bố hồi tháng 9/2010, nhiều doanh nghiệp được áp mức thuế 0%.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đang trong quá trình triển khai Dự luật Farm Bill 2008, trong đó họ dự định chuyển loài cá này từ đối tượng kiểm soát định kỳ của FDA (Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ) sang chế độ kiểm tra liên tục của USDA. Tuy nhiên, hành động này của USDA đã vấp phải những phản ứng gay gắt ngay từ các chính khách, cơ quan chức năng Hoa Kỳ.
Trong tháng 3 vừa qua, Thượng nghị sỹ John McCain cùng 5 thượng nghị sỹ khác đã viết thư vận động các thượng nghị sỹ Hoa Kỳ hủy bỏ điều khoản trong Dự luật Farm Bill 2008 nhằm hạn chế việc Hoa Kỳ nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Bình luận (0)