Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều lựa chọn vốn vay giá rẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Với việc các NHTM cổ phần quy mô vừa phải nhảy vào “cuộc đua” cấp vốn vay ưu đãi, khả năng tiếp cận nguồn vốn tiền đồng với lãi suất thấp hơn mặt bằng thị trường tới 2% mở rộng đến nhiều đối tượng khách hàng. Thế bí của đầu ra dòng vốn VND đang dần dần được tháo bỏ.

Sôi động giảm…lãi suất

Quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tới 1,5-2,0%/năm so với mức lãi suất phổ biến trên thị trường được một ngân hàng thuộc nhóm quy mô lớn nhất nước như BIDV công bố trưa ngày 5.9 phát đi tín hiệu quan trọng về một xu hướng mới của biến biến lãi suất thị trường trong các tháng cuối năm.

Định hướng tín hiệu từ một NHTM nhà nước là rất quan trọng, trong bối cảnh cả ngân hàng và người có nhu cầu vay vốn đang giữ trạng thái nghe ngóng sau khi NHNN phát đi định hướng đưa lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất về mức 17-19%/năm. Việc BIDV công bố dành một khoản tín dụng tới 10.000 tỉ đồng cho vay ngắn hạn với lãi suất chỉ có từ 15-17,5%năm do đó càng khẳng định tính khả thi của mục tiêu giảm thêm lãi suất trong thời gian tới. Điều đáng nói ngay sau công bố của BIDV, VPBank là một NHTM cổ phần thuộc nhóm vừa vừa cũng công bố một gói cho vay lãi suất ưu đãi lên tới 3.000 tỉ đồng.

Nhiều ngân hàng dành hàng ngàn tỉ đồng tung ra gói ưu đãi tín dụng với mức lãi suất chỉ 17 – 19%. Ảnh: Kỳ Anh

Cũng như một số NHTM cổ phần trước đó, VPBank cũng dành gói cho vay ưu đãi lãi suất từ 17-19% cho một số DN thuộc lĩnh vực NH ưu tiên với tổng hạn mức 3.000 tỉ đồng. Phó TGĐ VPBank – Vũ Minh Trường cho hay, đối tượng được ưu đãi lãi suất sẽ là các DN sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản và các DN hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Sau gói cho vay ưu đãi 2.000 tỉ đồng lãi suất 17-18% nhằm tài trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, SHB ngày 5.9 cũng công bố triển khai thêm chương trình cho vay ưu đãi các DN vừa và nhỏ.

Với kỳ hạn vay tối đa 6 tháng, các DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn 3.800 tỉ đồng tại SHB nhằm bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế trước VPBank và SHB, một số NHTM cổ phần khác như ACB, PGBank và ABBank cũng công bố các chương trình ưu đãi vay vốn kinh doanh dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau từ cá nhân, hộ kinh doanh cá thể đến DN với lãi suất giảm từ 1% đến 1,5% so với mặt bằng lãi suất thị trường.

Vốn giá rẻ từ đâu?

Một trong những thắc mắc lớn nhất hiện nay là các NHTM lấy đâu ra nguồn vốn cho vay giá rẻ và tại sao phải đến thời điểm này mới quyết định hạ lãi suất. TGĐ SHB – ông Nguyễn Văn Lê cho rằng, chi phí huy động vốn bình quân của ngân hàng thấp tạo điều kiện cho NH có thể cân đối đưa ra các chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh như trên. Song mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm trong các tháng cuối năm được cho là còn có sự hỗ trợ từ các biện pháp điều hành thời gian qua của NHNN.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, các biện pháp điều hành mới đây của NHNN (như duy trì các mức lãi suất ở 14%/năm, xem xét cho TCTD vay vốn đảm bảo bằng giấy tờ có giá và bãi bỏ tỉ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động) giúp khơi thông các kênh huy động vốn trên thị trường tiền tệ; đồng thời tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, giúp các NHTM sử dụng nguồn vốn có hiệu quả hơn. Đây được cho là cơ sở để lãi suất cho vay giảm trong những tháng cuối năm.

Một số tổ chức đầu tư như Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, quy định tỉ lệ cấp tín dụng tối đa 80-85% từ nguồn vốn huy động như thông tư 13 trước đây khiến một lượng vốn lớn bị “giam” lại trong hệ thống NH. Trong khi đó, chi phí vốn của các NH lại bị đội lên một khoản không cần thiết do vẫn phải trả lãi khá cao cho người gửi tiền cho khoản vốn huy động bị giam này. BVSC ước tính, tổng vốn huy động của nền kinh tế tính đến hết tháng 7.2011 vào khoảng 2,3 triệu tỉ đồng.

Như vậy, với 20% vốn được giải phóng, hệ thống NH có thể sẽ có thêm 460.000 tỉ đồng để phát triển tín dụng với chi phí vốn rẻ hơn. Bao nhiêu trong số này được bơm thêm vào nền kinh tế phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra trong năm nay (dưới 20%) cũng như mức lãi suất mà các DN chấp nhận khi vay vốn. “Tuy nhiên, dù sao việc các NH có thêm nguồn vốn khả dụng cũng là tín hiệu tích cực cho dòng chảy tín dụng thời gian tới” – nhóm chuyên gia của BVSC cho biết.

Văn Nguyễn

Theo Lao Động

Bình luận (0)