Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lo tăng giá sau 1.7

Tạp Chí Giáo Dục

Lương tối thiểu sẽ thêm 100.000 đồng từ 1.7, nhưng cùng với đó là giá xăng vừa lên, giá điện dự kiến tăng; rồi học phí, viện phí, giá nước sinh hoạt cũng có thể được điều chỉnh…

Những thông tin giá cả gia tăng đang khiến nhiều người dân, doanh nghiệp lo ngại.

Giá nhiều mặt hàng đầu vào tăng

Ngày 24.6, Bộ Nội vụ thông báo việc tăng lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (8 triệu người) sẽ bắt đầu từ 1.7.2013. Trong khi đó, theo dự kiến, kể từ 1.7, giá bán lẻ điện sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất đồng loạt tăng bình quân 5%. Trong đó, giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng. Tăng nhiều nhất là điện cho sản xuất, với mức cao nhất là 2.306 đồng, tăng 281 đồng.

Các siêu thị đã cảnh báo về việc sẽ phải tăng giá các mặt hàng từ sau 1.7 (ảnh minh họa).

Giá xăng dầu vừa tăng hôm 14.6, còn viện phí, học phí, nước sinh hoạt… cũng được nhiều địa phương đề nghị tăng. UBND TP.Hà Nội vừa có tờ trình HĐND thành phố đề nghị điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh. Nếu tăng thì giá viện phí của Hà Nội sẽ được điều chỉnh cũng sau tháng 7. Hà Nội cũng đang đề nghị tăng cả giá nước sinh hoạt vì cho rằng ngành nước đang quá thua lỗ…

Việc giá nhiều mặt hàng, dịch vụ rục rịch tăng lên sau 1.7 đã và đang thực sự gây “sốt” với người dân, doanh nghiệp (DN), bởi nó sẽ kéo giá thành các sản phẩm hàng hóa lên…

Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, cầu tiêu dùng hiện nay đang rất yếu nên việc tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu có thể tác động ghê gớm tới đời sống người dân và kinh doanh của DN. DN thủy sản đang rất khó khăn. Giá xăng dầu vừa tăng, DN đã bị đội chi phí, nếu tăng giá điện tới 5% thì giá sản phẩm đầu vào sẽ tăng mạnh, sẽ có những DN không cầm cự được nữa… “Chúng ta đang giảm lãi suất, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN nhưng chưa được bao nhiêu thì lại “vập” ngay vào chuyện tăng giá điện, lương…”- ông Dũng nói.

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhìn tầm xa: “Hiện nay, sức mua yếu nên giá càng tăng sẽ càng gây giảm phát. Hầu hết các siêu thị hiện nay đang phải xem xét việc tăng giá sau 1.7 như thế nào để vẫn bán được hàng. Tôi lo ngại rằng do chi phí tăng, nhiều nhà sản xuất sẽ phải thay đổi mẫu mã, trọng lượng, chất lượng sản phẩm; nghĩa là thêm cái này thì phải bớt cái kia trong khâu sản xuất để giảm bớt áp lực phải tăng giá”.

Phải tính kỹ tác động

Bà Vũ Thị Hậu- Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cũng lo ngại, nếu giá nhiều mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng sẽ rất nguy hiểm. Với siêu thị lớn, hàng hóa ký gửi (bán xong hàng mới thanh toán), giá do nhà cung cấp quyết, nếu họ tăng thì siêu thị bán hàng ra không thể không tăng giá.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, việc điều chỉnh về mức giá các mặt hàng theo cơ chế thị trường không dễ và chỉ có thể làm từ từ vào những giai đoạn lạm phát thấp và ổn định. “Chúng ta không nên tăng giá đồng loạt, đừng ngành nọ tăng giá, ngành kia cũng đòi tăng giá để người dân, DN còn có sức chịu đựng” – ông Thắng nói.

Nhiều siêu thị nhỏ cho biết, do họ phải bỏ tiền ra mua hàng về bán (không ký gửi hàng được như siêu thị lớn) nên giá cả tăng sẽ gây trở ngại lớn cho kinh doanh của siêu thị. Nhiều siêu thị, đại lý cho hay, đã có lẻ tẻ nhà cung cấp kiến nghị tăng giá hàng hóa cung ứng 5-10%.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu tăng giá điện tới 5-7% từ 1.7 trong bối cảnh khó khăn hiện nay sẽ có tác động lớn. DN có thể bị phá sản do chi phí đầu vào tăng trong khi không thể tăng giá bán. “Mọi người nói tăng giá điện 5-7% không lớn, chỉ ảnh hưởng đến CPI dưới 1%, nhưng tôi cho rằng, mức tăng này là lớn nếu nhìn vào các khó khăn nội tại của DN và đời sống người dân lúc này vì không chỉ điện mà nhiều hàng hóa khác còn tăng theo”- bà Lan nói.

Ông Nguyễn Tuấn Phương- Giám đốc Công ty Thực phẩm Đồng Nai – D&F than rằng, giá xăng dầu đã tăng nên việc tăng giá điện thì DN càng lún sâu vào hố khó khăn. “Chúng tôi đang vật lộn để đẩy sức mua, nếu tăng giá điện nữa sẽ càng khiến sức cạnh tranh của DN yếu đi. Các DN kinh doanh tốt còn chật vật, các DN nhỏ và vừa thì chỉ phá sản, thua lỗ”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, đừng thấy 6 tháng cuối năm, dư địa tăng giá vẫn còn 4,6% nữa mới tới cận trên của mức lạm phát mục tiêu đặt ra để mà điều chỉnh một loạt giá hàng hóa thiết yếu. “Tăng giá mặt hàng thiết yếu dù chút ít cũng phải tính đến tác động của nó, nếu không việc tăng giá sẽ chỉ gây bất ổn và những tổn hại cho nền kinh tế không cách gì gỡ nổi”- ông Doanh nói.

Mai Hương
(Dân Việt) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)