Ngày 8.10, ngay sau khi bị cục Cảnh sát môi trường (C49) quyết định xử phạt 405 triệu đồng vì xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép, Sonadezi Long Thành, Đồng Nai đã gặp các phóng viên báo đài “để thông tin thêm vụ việc”.
Tuy nhiên, một vấn đề được dư luận đặt biệt quan tâm là người dân có được bồi thường thiệt hại hay không thì bị bỏ lửng khi ông Phạm Anh Tuấn, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Sonadezi Long Thành đặt ngược câu hỏi: “Nói mấy hồ, mấy hecta cá chết thì xin lỗi, nói phải có cơ sở!”
Nước thải chưa xử lý ra môi trường của nhà máy xử lý nước thải tập trung Sonadezi Long Thành. Ảnh: L.Quỳnh
Theo ông Tuấn, có nhiều nguồn xả thải ra rạch Bà Chèo, nên nếu chỉ xem xét các chỉ tiêu nước thải ra từ nhà máy xử lý Sonadezi Long Thành thì không có cơ sở rõ ràng về mức độ ảnh hưởng. Ông Tuấn đòi các cơ quan chức năng vào cuộc đánh giá, xem xét mức độ ô nhiễm nước mặt toàn bộ khu vực. Một khi đã kết luận chính thức, khách quan của cơ quan chức năng, công ty sẵn sàng thực hiện trách nhiệm theo pháp luật, không từ chối hay lẩn tránh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Hưng, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai cho rằng: về các nguồn xả thải cần xem xét đánh giá thật cụ thể thì mới đưa ra kết luận được. “Nhưng trên thực tế đúng là cũng có một đoạn rạch chảy qua cụm công nghiệp Tân Phước, đây cũng có thể có nguồn thải xả ra rạch Bà Chèo. Nhưng tôi cho rằng, nguồn xả thải chính ra rạch Bà Chèo vẫn là nguồn nước thải của khu công nghiệp Long Thành”, ông Hưng nói. Ông Kiều Hoàng Anh, một người dân sống gần họng xả thải của Sonadezi Long Thành, khẳng định: “Năm năm nay, dân tụi tui đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần nước thải từ hồ sinh thái của công ty đổ ra rạch Bà Chèo, đen ngòm, đến nỗi cây, vịt, cá đều chết. Dân chúng tôi quyết thưa kiện Sonadezi đến cùng, phải đòi lại công lý, thiệt hại”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, văn phòng luật sư Trường, đoàn Luật sư TP.HCM, sau khi C49 có kết luận về hành vi vi phạm của Sonadezi Long Thành, thì đã xác định được thủ phạm với những bằng chứng rõ ràng, người dân đã đủ chứng cứ kiện Sonadezi Long Thành yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, người dân không thể tự kê khai thiệt hại, vì sẽ bị bác khi ra toà; cũng không thể chia mức đền bù thiệt hại đều cho người dân được. Do đó cần một cơ quan chuyên môn tiến hành xác định thiệt hại. Đồng thời, hội nông dân huyện Long Thành cũng có thể là đơn vị trực tiếp giúp dân kiện ra Sonadezi Long Thành ra toà, và cũng cần có luật sư giúp đỡ dân về pháp lý, chuẩn bị hồ sơ tố tụng để tránh người dân phải lên xuống nhiều lần.
Ông Lê Viết Hưng cho biết thêm, sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai đang xúc tiến các thủ tục làm hợp đồng với viện Môi trường và tài nguyên, để điều tra, xác định nguyên nhân, khoanh vùng ô nhiễm tại rạch Bà Chèo và các vùng lân cận; đồng thời, đánh giá mức độ thiệt hại làm cơ sở để giải quyết khiếu kiện của người dân. Nguồn kinh phí thực hiện dự kiến được trích ra từ quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh. Sau khi có kết quả, trường hợp phát hiện ô nhiễm môi trường do Sonadezi Long Thành gây ra thì công ty này có phải chi trả theo quy định. Đại diện hội nông dân Long Thành cũng nói nếu được chỉ đạo từ cấp trên và yêu cầu của người dân, hội sẵn sàng đứng ra hỗ trợ người dân.
Lê Quỳnh / SGTT
Bình luận (0)