LĐ trẻ cần được đào tạo bài bản và có phương pháp. Ảnh: T.C. |
Theo Chiến lược phát triển thanh niên 2010, chỉ có gần 15% số LĐ trẻ được đào tạo (ĐT), rất ít người có tay nghề cao. Dạy nghề cho LĐ trẻ đang là vấn đề cấp thiết để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai.
Quan trọng là phương pháp
LĐ trẻ, cả LĐ chân tay và LĐ trí thức đều gặp phải vướng mắc "không biết bắt đầu từ đâu khi làm việc". Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy: 13% phải ĐT lại, 37,9% cần kèm cặp tại nơi làm việc, 41,1% cần một thời gian mới bắt tay vào việc được.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn: Khả năng hội nhập của thanh niên vào thị trường LĐ chưa tốt. LĐ trẻ muốn được đánh giá cao cần có phương pháp tiếp cận công việc hiệu quả. Ông Lê Xuân Bách – GĐ Cty Xây dựng lâm sản tổng hợp Quảng Bình – cho rằng: "Phương pháp hiệu quả nhất để ĐT LĐ trẻ là kèm cặp trong công việc hoặc để họ tự học hỏi lẫn nhau".
Trong Hội nghị quốc gia về giải pháp việc làm cho thanh niên ngày 30.6 tại Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhiều đại biểu rất đồng tình với phương pháp ĐT và giữ LĐ: Sau khi được ĐT, người LĐ không được làm việc cho DN khác trong cùng ngành trong tối thiểu là 3 năm. Trước khi bị sa thải, người LĐ cần được ĐT lại trong thời gian 3-6 tháng và đánh giá lại; trước khi ký hợp đồng thử việc, họ cũng cần được dạy nghề tối đa 3 tháng.
Doanh nghiệp tự đào tạo
VCCI vừa khảo sát hơn 200 DN về việc làm cho thanh niên, kết quả cho thấy: Các DN đều "chuộng" hình thức tự ĐT theo phương pháp "uốn cây còn non". Kiểm tra trình độ chuyên môn tay nghề, phỏng vấn và thử việc là các phương pháp phổ biến để chọn nhân viên mới.
Bà Nguyễn Hương Trà – Chuyên viên tư vấn dự án – nói: "Đáng ngạc nhiên là các NTD không chú trọng bằng cấp hoặc giới thiệu của các TT dịch vụ việc làm. Khoảng một nửa số DN lựa chọn nhân viên dựa vào bằng cấp và không có DN nào dựa vào sự giới thiệu".
Các chỉ số khảo sát cho thấy các DN tin vào những kỹ năng mà họ ĐT cho LĐ hơn là những kiến thức LĐ được học từ các cơ sở ĐT. NTD dựa nhiều vào ĐT sau tuyển dụng, vì LĐ sẽ làm việc đúng "gu" của DN. Tuy nhiên, DN cũng vấp phải một số khó khăn như: Thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, thiếu cơ chế hỗ trợ để giữ LĐ sau khi ĐT và không được ưu đãi về thuế khi tiến hành tự ĐT LĐ.
Một tín hiệu đáng mừng là: Phần lớn những người sử dụng LĐ (68,1%) dự kiến tăng kinh phí ĐT trong 3 năm tới, hơn 50% kinh phí sẽ tập trung cho LĐ trẻ ở độ tuổi 16-25. Các DN đã sẵn lòng đầu tư cho LĐ trẻ – nguồn nhân lực tiềm năng của tương lai.
Linh Nhung (ld)
Bình luận (0)