Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cẩn trọng khi dùng kháng sinh cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Dùng kháng sinh không đúng cách sẽ để lại nhiều tác hại cho trẻ. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

Kể từ khi tìm ra penicillin, kháng sinh đã trở thành vũ khí đắc lực giúp thầy thuốc đẩy lùi nhiều bệnh truyền nhiễm. Nhưng ngày nay, nhiều loại vi khuẩn đã đề kháng với kháng sinh. Nếu một ngày, tất cả kháng sinh đều không hiệu quả với vi khuẩn, người ta có thể chết vì những bệnh viêm nhiễm thông thường, đó sẽ là một tai họa vô cùng to lớn.
Đa dạng nhóm kháng sinh
Kháng sinh được dùng chống lại các bệnh do vi khuẩn gây ra (như trong nhiều dạng viêm tai, viêm xoang, viêm phổi, viêm họng, nhiễm trùng tiểu, ho dai dẳng) hoặc trong phẫu thuật để phòng nhiễm trùng bệnh viện.
Kháng sinh được phân làm nhiều nhóm như nhóm penicillin, cephalosparin, macrolid, tetracyclin, quinolon v.v… mỗi nhóm có một số kháng sinh khác nhau. Tác dụng của kháng sinh trong cùng một nhóm, giữa các nhóm là khác nhau. Tùy loại vi khuẩn bị nhiễm, sẽ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp. Khi sức đề kháng kém, trẻ rất dễ bị vi khuẩn tấn công, gây bệnh.

Người dân không nên tùy tiện mua thuốc kháng sinh về sử dụng. Ảnh: N.Phương
Thông thường, cơ thể trẻ sẽ chiến đấu kiên cường với vi khuẩn và khỏi bệnh. Nhưng khi bệnh quá nặng thì kháng sinh cần sử dụng để giết hoặc ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn. Virus cũng gây bệnh và là nguyên nhân gây bệnh nhiều cả vi khuẩn. Các loại bệnh: cảm, cúm, phần lớn ho, sốt, viêm họng là do virus. Kháng sinh chỉ “giết” được vi khuẩn, còn virus vẫn ung dung sống và thường nếu trẻ bị nhiễm virus cũng sẽ tự khỏi sau vài ngày. Do đó, chỉ dùng kháng sinh khi bệnh của trẻ do vi khuẩn gây ra hoặc khi nhiễm virus nhưng có bội nhiễm thêm vi khuẩn.
Những triệu chứng có thể nhầm tưởng do nhiễm vi khuẩn là nước mũi có màu vàng (nghĩ nhiều đến sự hồi phục sau đợt cảm hơn là viêm xoang), đàm có màu vàng (không nhất thiết là viêm phổi do vi khuẩn, có thể là viêm phế quản cấp, viêm phổi do virus), sốt cao (sốt có thể do cả vi khuẩn và virus).
Những phản ứng phụ
Hầu như các kháng sinh ít có tác dụng phụ và nếu có cũng rất khác nhau. Chung nhất là nôn, tiêu chảy, đau bụng, thiếu vitamin vì kháng sinh có thể làm thay đổi cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Một số độc tính đặc trưng cho từng nhóm kháng sinh: gây độc trên tai có thể dẫn đến điếc vĩnh viễn (nhóm aminosid), độc tính trên thận (nhóm aminosid, nhóm sulfamid), độc trên máu (nhóm chloramphenicol).
Nếu dùng kháng sinh đúng, hợp lý sẽ rất có lợi nhưng ngược lại lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ để lại nhiều tác hại cho trẻ. Một số trẻ có thể bị dị ứng với kháng sinh. Trẻ có thể bị phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở, tiểu ra máu, sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Nên thông báo ngay với bác sĩ những tác dụng không mong muốn khi trẻ dùng thuốc, những loại thuốc trẻ đã từng bị dị ứng. Đối với trẻ dưới 8 tuổi, không cho sử dụng tetracyclin vì kháng sinh này ảnh hưởng đến mầm răng đang phát triển, làm răng bị nhuộm màu vàng xám vĩnh viễn.
Đề phòng “lờn” kháng sinh
Trong khi chăm sóc trẻ bệnh, phụ huynh cần rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm bệnh cũng như “phân phát” mầm bệnh khắp nơi.
Mỗi lần trẻ uống kháng sinh, một số vi khuẩn bị giết nhưng số khác thì không và chúng sẽ học cách kháng lại kháng sinh. Đề kháng kháng sinh sẽ xảy ra nếu thường xuyên sử dụng kháng sinh hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách. Do đó, phụ huynh cần cho trẻ uống đủ liều, đủ số lần theo toa của bác sĩ. Dùng tiếp tục hết toa thuốc ngay cả khi trẻ cảm thấy khỏe hơn.
Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Không nên tùy tiện mua kháng sinh về tự sử dụng. Không dùng kháng sinh cũ có sẵn ở nhà hoặc cho trẻ uống kháng sinh của trẻ khác. Kháng sinh thường dùng bằng đường uống (viên, gói thuốc bột, xirô). Đối với trẻ bị nhiễm khuẩn nặng phải sử dụng kháng sinh qua đường tiêm bắp thịt, tiêm tĩnh mạch. Hạn chế sử dụng kháng sinh dạng dùng ngoài da vì rất dễ gây đề kháng.
Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga (Bệnh viện Nhi Đồng 1 – TPHCM)
NLĐ

 

Bình luận (0)