Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh thiếu sắt ở phụ nữ

Tạp Chí Giáo Dục

Mệt mỏi, buồn ngủ, kém tập trung, tim đập nhanh… là hậu quả của chế độ ăn thiếu sắt để tạo máu (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: L.Đ.L

Sắt là thành phần quan trọng của huyết cầu tố, thu nhận oxy để máu đưa đến nuôi dưỡng tế bào, đảm bảo sự sống cho cơ thể. Theo thống kê, 1/3 số phụ nữ trưởng thành và 1/2 các cô bé tuổi thiếu niên thường hay bị bệnh thiếu sắt. Không hiếm trường hợp phụ nữ không đủ sắt trong thời gian mang thai.

GS-BS Trần Văn Bé (BV Truyền máu huyết học TP.HCM) cho biết: “Việc thiếu chất sắt trong thời kỳ mang thai có thể tác động trực tiếp đối với hệ hô hấp của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.
Nguyên nhân gây thiếu sắt
Bản thân người phụ nữ rất ít khi nghĩ đến bệnh này, trong khi sự thiếu sắt thường xuyên ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cơ thể, khả năng kháng viêm nhiễm và cuối cùng có thể dẫn đến thiếu máu, khi máu không đem đến cho các cơ quan và mô đủ lượng oxy. “Mệt mỏi, buồn ngủ, hồi hộp, kém tập trung, tim đập nhanh… là hậu quả của chế độ ăn thiếu sắt để tạo máu. Nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ còi cọc, phụ nữ vô sinh, bà bầu sinh non, sẩy thai. Do biểu hiện rất mơ hồ nên tình trạng thiếu máu do thiếu sắt dễ bị nhầm với các bệnh tim mạch, hô hấp, suy nhược thần kinh” – BS. Bé cho biết. Tình trạng thiếu sắt diễn ra ở nữ nhiều hơn nam vì chị em mất nhiều máu trong ngày “đèn đỏ”. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ luôn cao. Vì thế, cần quan tâm hơn nữa tới tình trạng thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai vì nhu cầu về sắt và các chất dinh dưỡng của họ rất cao. Nhiều phụ nữ thiếu sắt thường sợ lạnh, vì thiếu sắt là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiếu máu, lượng hồng cầu trong máu giảm, các tế bào nhận được lượng oxy thấp, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm nên nhiệt lượng sinh ra không đủ khiến cho cơ thể sợ lạnh.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Đối với các bà mẹ mang thai, nên uống đủ các chất sắt bổ sung, con cái sẽ thở dễ dàng hơn. Trong thức ăn, sắt ở dưới hai dạng: Dạng trong thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, gan, trứng, khả năng hấp thu vào cơ thể cao (20-30%); Dạng trong thức ăn có nguồn gốc thực vật như đậu, đỗ, rau lá có màu sẫm (rau muống, rau đay, rau ngót, rau dền) hoặc một số hoa quả như dưa hấu, đu đủ chín, khả năng hấp thụ vào cơ thể khoảng 5-10%. Sắt trong cơ thể rất ít, khoảng 2,5g ở nữ, 4g ở nam, nhưng có vai trò sinh học to lớn. Chuyển hóa sắt trong cơ thể gần như khép kín, cơ thể rất tiết kiệm sắt, nhưng hằng ngày vẫn bị hao hụt theo các đường khác nhau. Ở người trưởng thành, lượng sắt mất đi mỗi ngày khoảng 0,9% ở nam 65kg và 0,8mg ở nữ 55kg. Còn phụ nữ ở tuổi sinh đẻ, lượng sắt mất theo chu kỳ kinh nguyệt trung bình mỗi ngày 1,25mg và có khoảng 5% phụ nữ cao hơn 24mg. Phụ nữ có thai, tuy không mất sắt theo kinh nguyệt nhưng cần để bổ sung cho thai nhi, tăng khối lượng máu của người mẹ nên cần khoảng 1.000mg sắt. BS. Lưu Ngân Tâm (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy) khuyến cáo: “Các thai phụ ăn đa dạng, cân đối thực phẩm của bốn nhóm đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Để có đủ chất sắt, người tiêu dùng nên chọn những món ăn có nguồn gốc từ động vật như thịt bò, thịt lợn, cá, gan, trứng, sữa. Chất sắt có nguồn gốc động vật thường dễ hấp thu hơn. Về thực vật, nên chọn những loại rau có màu xanh đậm như mồng tơi, rau muống, rau ngót, đậu xanh, bông cải xanh… các loại trái cây như sầu riêng, ổi, chuối. Muốn sắt hấp thụ dễ dàng hơn, nên ăn chung những món giàu sắt với thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, bí đỏ, cà chua. Trong và ngay sau khi ăn, tránh uống trà, cà phê vì chúng sẽ cản trở hấp thu sắt. Phụ nữ cũng không nên vì muốn giữ gìn vóc dáng mà giảm ăn hoặc ăn kiêng không khoa học rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thiếu chất sắt.
Nhật Nam

Bình luận (0)