Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trị chứng mồ hôi trộm cho teen

Tạp Chí Giáo Dục

Lá dâu có nhiều công hiệu chữa chứng MHT. Ảnh: N.V.N

Không chỉ ở trẻ em mà nhiều bạn teen đang học cấp 2, cấp 3 cũng bị chứng bệnh mồ hôi trộm (MHT). Điều này khiến các teen “nhà ta” không những cảm thấy bất an, khổ sở mà còn học hành sa sút. Điều trị chứng bệnh này không khó nhưng phải kiên trì trong một thời gian dài.
MHT là gì?
Trong một số trường hợp, đổ mồ hôi được coi là có lợi cho sức khỏe, giúp làm hạ thân nhiệt tạo cảm giác mát mẻ dễ chịu. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này liên tục xảy ra vào ban đêm lại hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, bởi đó chính là chứng bệnh MHT. Chứng bệnh này thường gặp ở trẻ em, các teen, cả người lớn, gây ra rất nhiều phiền toái, nếu không chữa trị dứt điểm có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người bệnh sau này.
Rất nhiều bạn teen đã lên diễn đàn chăm sóc sức khỏe than thở chuyện mình mắc phải chứng MHT mà chưa tìm được thuốc chữa trị hữu hiệu. Chị Thanh Trúc (Biên Hòa – Đồng Nai) cho biết: “Con gái tôi đang học lớp 9 nhưng rất hay ra mồ hôi, đặc biệt là khi ngủ vào ban đêm. Nhiều lúc nhìn con ngủ, thấy mồ hôi ra đầm đìa mà thương con quá, tôi cứ phải canh để lau mồ hôi nếu không thì y như rằng, hôm sau con lại lăn ra ốm”. Còn bạn Mai Anh (HS lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền) tâm sự: “Mỗi sáng khi ngủ dậy, em thấy toàn thân ướt đẫm nên rất khó chịu. Lúc đầu em cứ tưởng do thời tiết nóng. Nhưng rồi sau đó, em phát hiện ngay cả khi trời mát mẻ, thậm chí mùa đông rét căm căm thì nó vẫn như thế. Đi khám mới biết em bị bệnh MHT, lo đến mất ngủ luôn”. Gọi là MHT vì khi không phải lúc vận động, hoạt động, hay khí trời nóng bức, mà mồ hôi vẫn cứ ra. Nó thường ra… trộm trong lúc các teen đang ngủ, khi thức dậy thì lại hết.
Chữa MHT theo đông y
Phần lớn nguyên nhân MHT là do âm hư, cơ thể không giữ được tân dịch. Đông y có một số bài thuốc sau giúp chữa chứng bệnh này rất tốt như cháo trai: Trai đồng 5 con loại vừa, lá dâu non 30g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 50g, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ. Nên pha nước muối loãng ngâm trai, sau 1 giờ vớt ra rửa sạch, cho vào nồi luộc, nhặt lấy ruột trai và lọc lấy nước trong. Ruột trai bỏ hết phần đất, thái nhỏ ướp gia vị, dùng dầu thực vật xào cho thơm. Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ, gạo tẻ, gạo nếp xay thành bột mịn, cho thêm nước vào nước luộc trai, cho bột gạo vào khuấy đều, đun nhỏ lửa, khi cháo chín cho trai, lá dâu, nêm vừa gia vị, cháo sôi lại là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, cần ăn liền trong 4-5 ngày; tim heo hấp lá dâu: Tim heo 1 quả 250g, lá dâu non 30g, hạt sen 20g, dầu thực vật, bột gia vị. Lấy tim heo rửa sạch thái nhỏ và mỏng, ướp gia vị, dùng dầu thực vật xào chín, lá dâu non rửa sạch thái nhỏ, hạt sen giã nhỏ, cả ba thứ trộn đều đem hấp cách thủy, khi chín cho bột ngọt vào đảo đều cho bệnh nhân ăn, ngày ăn 1 lần vào buổi chiều, trong 5 ngày;nấm mèo xào:Nấm mèo đen (20g) ngâm nước nóng, rửa sạch xắt sợi, ướp bột gia vị, dùng dầu thực vật xào chín cho ra chén. Cà chua (40g) rửa sạch xắt miếng bỏ hạt xào bằng dầu thực vật. Khi cà chua chín nhừ, cho tim heo (250g), nấm mèo vào đảo đều, sau 2 phút cho bột ngọt vào. Ăn ngày 1 lần vào buổi chiều, lúc đói, trong 5-7 ngày. Bên cạnh các món ăn, còn có nước uống cũng trị bệnh này như nước uống lá dâu: Lá dâu khô 10g, rau má khô 5g.Cả hai thứ trên rửa sạch cho vào ấm cùng 200ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước chia 2 lần uống trong ngày, cần uống trong 5 ngày liền; lấy 49 gốc hẹ, nấu (sắc) cùng với 400ml nước, nấu cạn còn 200ml, uống dần dần trong ngày. Ngoài ra, các teen cũng nên tránh dùng các chất kích thích như bia rượu, cà phê, thuốc lá, trà đặc hoặc các chất có gia vị quá cay.
BS.CK1 NGUYỄN VĂN NGHỊ
(BV Y học cổ truyền Đồng Nai)

Bình luận (0)