Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh mạch vành: Dễ tử vong do biến chứng nhồi máu cơ tim

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang điều trị cho một bệnh nhân bị bệnh mạch vành. Ảnh: T.HIỀN

Theo TS.BS Nguyễn Huy Dung (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) thì bệnh mạch vành là một dạng bệnh tim thường gặp. Trong tim mạch học, sau bệnh thấp tim, tăng huyết áp thì bệnh mạch vành ngày càng chiếm tỷ lệ lớn ở bệnh nhân nước ta và rất dễ tử vong do biến chứng nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhân ngày càng trẻ hóa
TS.BS Nguyễn Huy Dung cho biết, tỷ lệ nam giới bị bệnh mạch vành cao hơn nữ giới (thường nam giới trên 45 tuổi và nữ trên 55 tuổi). Tuy nhiên, đáng lo ngại hiện nay là bệnh này ngày càng trẻ hóa ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi. Mức độ trầm trọng cũng như tỷ lệ tử vong của nó đang là mối quan tâm đặc biệt của các BS. Chị Mai Anh (41 tuổi, nhà ở quận 5) có chồng đang điều trị bệnh  mạch vành ở Khoa Tim mạch – Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cho biết: “Ông xã tôi là một giáo viên cấp II, không hút thuốc, uống bia rượu. Cách đây ba tháng, anh than đau ở vùng thượng vị tưởng là bị đau dạ dày nên mua thuốc về uống qua loa. Nhưng sau đó hai tuần, khi đi dạy về, mặt anh tái mét bảo có cảm giác đau thắt như bị bóp nghẹt ở ngực trái, kèm theo là hiện tượng khó thở, vã mồ hôi, hồi hộp, chóng mặt…  Gia đình tôi nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện. Anh được BS chỉ định chụp mạch vành, phát hiện hẹp động mạch vành, anh được nhập viện và điều trị, đến nay sức khỏe đã khá hơn rất nhiều. BS cho biết, có nhiều trường hợp giống ông xã tôi nhưng không được đưa đến bệnh viện kịp thời đã dẫn đến nhồi máu cơ tim và tử vong”. Anh Hoàng Mai,35 tuổi, kỹ sư cơ khí ở Long An thì hoang mang: “Gia đình tôi có ba và chị gái bị bệnh mạch vành. Hơn một năm nay, tôi hay bị nhức mỏi phần ngực trái, cổ bên trái, cánh tay trái, không biết đây có phải là triệu chứng đau ngực do bệnh mạch vành hay không. Tôi rất lo vì sợ bệnh này có di truyền”.
TS.BS Nguyễn Huy Dung giải thích, các nguyên nhân gây ra bệnh này bắt nguồn từ cao huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia, cả nguyên nhân di truyền… Triệu chứng của bệnh thường biểu hiện bằng những cơn đau thắt ngực dữ dội. Khi bệnh nhân bị hẹp lòng mạch vành sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim, nguy hiểm nhất là bị nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến đột quỵ hoặc đột tử.
Cần tuân thủ theo chỉ định của BS
TS.BS Nguyễn Huy Dung khuyên, khi biết mình bị bệnh mạch vành, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc sau: Tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị và duy trì cho mình một lối sống lành mạnh (không hút thuốc lá, bia rượu, tập thể dục thường xuyên…); tiến hành làm các xét nghiệm theo hướng dẫn của BS tim mạch để chẩn đoán vị trí tổn thương của động mạch vành; điện tâm đồ, xét nghiệm máu, siêu âm tim, chụp động mạch vành… từ  đó sẽ được tư vấn hướng điều trị với các phương pháp khác nhau như phương pháp nội khoa (chỉ dùng thuốc), can thiệp mạch vành, phẫu thuật bắc cầu hoặc chụp CT đa lớp cắt có thuốc cản quang để phát hiện các nhánh động mạch vành bị tắc; bệnh nhân cũng cần biết các dấu hiệu khác thường hay trở nặng của bệnh để biết cách xử lý ban đầu cho các cơn đau ngực nhẹ hay nặng cũng như khi nào cần phải nhập viện cấp cứu.
Hữu Tài

Bình luận (0)