Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

162.000 cử nhân thất nghiệp: Do chính sách tiền lương bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm kiếm việc làm tại sàn giao dịch việc làm tổ chức vào tháng 6 tại TP.HCM. Ảnh: L.Sâm

Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 2, quý II/2014. Con số đáng báo động là số người thất nghiệp có trình độ ĐH trở lên là trên 162.000 người. Con số này có thể sẽ chưa dừng lại ở những quý tới của năm 2014.
Càng học cao càng thất nghiệp
Theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, thất nghiệp trong nhóm lao động có bằng ĐH trở lên là 162.400 người. Như vậy, trong quý I, lượng lao động có trình độ ĐH thất nghiệp đã tăng thêm hơn 90.000 người, so với con số 72.000 người đến cuối quý IV năm ngoái. Số người thất nghiệp ở trình độ CĐ là 79.000 người, ở CĐ nghề là 18.000 người, THCN là 81.000 người, trung cấp nghề là 37.000 người, sơ cấp nghề là 38.000 người và không có chuyên môn kỹ thuật là 630.000 người. Nhìn vào con số này có thể thấy, trừ đối tượng không có chuyên môn kỹ thuật thì lao động càng trình độ cao càng thất nghiệp. Còn lao động đã qua đào tạo CĐ nghề có số lượng thất nghiệp thấp nhất. Theo ông Nguyễn Bá Ngọc – Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – quý I/2014, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 145.800 người so với quý IV/2013, trong đó, thất nghiệp là nữ chiếm 47,2%. Tuy nhiên, con số lao động thiếu việc làm lên đến trên 1,2 triệu người trong quý I/2014, chiếm 2,78% tổng số lao động trong độ tuổi có việc làm, tăng 66.500 người so với quý IV/2013. Số giờ làm việc bình quân của nhóm lao động thiếu việc làm là 22,3 giờ/tuần, chỉ bằng 53% so với lao động cả nước (42,3 giờ/tuần). Về tỷ lệ thất nghiệp, quý I/2014 tỷ lệ thất nghiệp là 2,21%, tăng so với quý IV/2013 (1,9%) nhưng lại giảm nhẹ so với quý I/2013 (2,27%).
Chỉ thích “ngồi mát ăn bát vàng”
Lý giải nguyên nhân Việt Nam hiện đang có trên 162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, GS. Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ – cho hay ông không ngạc nhiên với con số này. Đây là hệ quả tất yếu của tâm lý thích “ngồi mát ăn bát vàng” của giới trẻ hiện nay. Theo GS. Hóa, tất cả những ngành học liên quan đến công việc văn phòng, bàn giấy đều có số lượng thí sinh đăng ký rất đông. Ví dụ như ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng. Những ngành khác liên quan đến kỹ thuật hầu như “ế”. Điều này không xuất phát từ phía người học hay các chính sách cho mở trường, mở ngành của bộ mà do cơ chế chính sách liên quan đến tiền lương đối với người lao động. Cùng thời gian đào tạo, cùng mức học phí nhưng những người học tài chính ngân hàng hay các ngành liên quan đến kinh tế ra trường lương cao hơn, môi trường làm việc nhàn hơn. Trong khi khối các ngành kỹ thuật lương thấp, lại vất vả. Đó còn chưa kể ngay trong đào tạo, sinh viên khối các ngành kỹ thuật cũng phải học “trầy da, sứt vảy” mới ra được trường, khổ hơn nhiều so với khối ngành kinh tế, tài chính. Chính vì vậy, GS. Hóa khẳng định chừng nào chế độ tiền lương giữa các ngành nghề chưa thay đổi thì sẽ vẫn còn tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp như hiện nay.
Thực tế ngay tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua cũng cho thấy điều đó. Dù Bộ GD-ĐT, các cơ quan ngôn luận cũng đã cảnh báo nhân lực ngành tài chính ngân hàng, kinh tế sẽ tiếp tục dư thừa trong thời gian tới. Tuy nhiên, tại trường trong mùa tuyển sinh 2014, số lượng hồ sơ đăng ký vào ngành kế toán vẫn cao nhất, kế đến là quản trị kinh doanh, thứ ba là tài chính ngân hàng. GS. Hóa cho biết thêm, hàng năm trong khi nhóm ngành kinh tế gạt không hết thí sinh thì nhóm ngành kỹ thuật chỉ tuyển được trên dưới 100 chỉ tiêu.
Như vậy, theo GS. Vũ Văn Hóa, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa và thiếu nhân lực ở nhiều ngành hiện nay.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)