Tòa soạnThư đi – tin lại

Một sinh viên sư phạm chịu di chứng chất độc da cam

Tạp Chí Giáo Dục

Hiền đang học bài ở kí túc xá

Cao 1,63m nhưng chỉ nặng 33 kg. Tim bị hỏng độ 2, các ngón tay bị co rút lại không duỗi ra được, khớp tay khớp chân lở loét và mưng mủ… Dị tật của Phan Thị Thu Hiền – sinh viên năm thứ II, Đại học Sư phạm Đà Nẵng là hậu quả của chất độc da cam. Bố Hiền từng vào sinh ra tử ở các chiến trường ác liệt nhất và ông đã để lại di chứng nặng nề này cho con mình. Thế nhưng, vượt lên bệnh tật và những đau đớn, Hiền vẫn quyết tâm thực hiện cho được những ước mơ mà cô bé nung nấu bao năm trời.              
Vượt lên nhiều nỗi đau
Hiền là con thứ hai trong một gia đình có hai người con ở vùng quê xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Bố Hiền là người từng có 20 năm phục vụ trong quân ngũ và đã có thời gian cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam. Chính trong giai đoạn này, ông bị phơi nhiễm chất độc da cam mà không hề hay biết. Năm 1982, ông chuyển về công tác ở địa bàn Bình Trị Thiên, hai năm sau bé Hiền ra đời.
Lúc mới lọt lòng cho đến khi tròn 10 tuổi, cơ thể Hiền không có dấu hiệu gì bất thường. Song cô bé rất ốm yếu và thường trở bệnh bất ngờ. Đến năm 13 tuổi thì loại chất độc tai ác ấy mới bắt đầu phát tán trong cơ thể Hiền. Hiền được mẹ đưa đi điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Qua nhiều lần xét nghiệm, hội đồng y khoa ở đây đã chính thức kết luận: Hiền bị nhiễm chất độc da cam. Lẽ ra Hiền sẽ được hưởng chế độ của người bị nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ II. Song hồ sơ gốc của bố chứng minh ông đã từng tham gia chiến trường ác liệt và nhiễm độc không còn, nên Hiền đã không hề được hưởng bất kỳ chế độ nào. Tôi không dám đào sâu câu chuyện này, vì thật ra Hiền không còn bố từ lúc mới 10 tháng tuổi. Với cô bé cho đến tận bây giờ, điều đó là một nỗi buồn, một tổn thương lớn của cả gia đình…
Do hoàn cảnh riêng, bố mẹ Hiền đã ly hôn nhau từ khi Hiền mới tròn 10 tháng tuổi, sau đó, bố bỏ quê đi biệt tích. Hai chị em Hiền lớn khôn là nhờ không biết bao lam lũ của mẹ. “Mẹ chỉ là cán bộ phòng Văn hóa thông tin của huyện, đồng lương eo hẹp biết dường nào. Giai đoạn khốn khó nhất là mỗi mình mẹ vừa nuôi em ở bệnh viện vừa lo cho chị gái đang học đại học. Và bây giờ, em biết mẹ rất cơ cực để nuôi cả hai chị em học đại học. Mỗi tháng mẹ chắt chiu, làm đủ thứ và gửi cho em thêm 1 triệu đồng để uống thuốc thải chất độc ra ngoài”, Hiền nói mà nước mắt chảy dài.            
Hôm gặp Hiền, tôi vừa thấy xót lòng vừa ngạc nhiên và khâm phục. Cô sinh viên lớp 08SGC, năm thứ II (khoa Giáo dục chính trị, Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Phan Thị Thu Hiền đang ngồi trước mặt mình. Phần da toàn thân của em đang sạm đen dần, tay cầm bút rất khó khăn và chỉ viết được khoảng vài chục phút là phải dừng. Thỉnh thoảng, lúc chất độc phát tán mạnh, Hiền phải nhập viện điều trị. Thế nhưng trong cuộc sống cũng như trong học tập Hiền đã nỗ lực rất nhiều và đạt được thành tích mà không phải những người bình thường nào cũng làm được: Hiền là một trong ba sinh viên trong lớp được nhận học bổng, được Ban giám đốc Đại học Đà Nẵng tặng giấy khen “Có thành tích khắc phục khó khăn vươn lên trong học tập”. Hồi học phổ  thông, 12 năm thì năm nào Hiền cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, riêng năm lớp 9 còn đạt học sinh giỏi văn của huyện.
Tấm gương sáng cho sinh viên sư phạm             

Hiền và các em sinh viên cùng phòng

Điều mà tôi dễ nhận thấy khi tiếp xúc với Hiền đó là cô bé rất tự tin trong cuộc sống, không tự ti mặc cảm về bản thân. Đó cũng là điều mà các bạn sinh viên ở cùng phòng trong ký túc xá rất khâm phục Hiền. “Có sống chung mới hiểu, mới thương cho hoàn cảnh và khâm phục nghị lực của chị Hiền. Mặc dù bệnh tật, nhưng chị ấy luôn phấn đấu, cố gắng rất nhiều, chị ấy còn chỉ bảo cho bọn em rất nhiều điều. Đôi khi tụi em cũng vơi nỗi nhớ nhà vì ở đây chị Hiền giống như một người chị trong gia đình. Chị Hiền là tấm gương để bọn em trông vào đó mà tự điều chỉnh bản thân. Nhất là khắc phục cái bệnh “lười” cố hữu ở sinh viên” – bạn Bùi Thị Nhâm, sinh viên năm nhất, ngành tiểu học – ở cùng phòng với Hiền nói dứt khoát.
Được biết, để thuận lợi cho việc đi lại và đỡ tốn kém, Hiền đã sớm đăng ký vào ở ký túc xá. Dù trong phòng có các bạn, các em sinh viên hết lòng giúp đỡ nhưng Hiền vẫn luôn với suy nghĩ: Mình vẫn có thể, nếu mình cố gắng… Cách đây khoảng 4 tháng, do dùng chân để giặt quần áo (Hiền không thể dùng tay để giặt đồ), 2 hai chân của Hiền đều bị lở loét nhiều và mưng mủ. Hiền lại phải nhập viện điều trị. Thế nhưng vừa xuất viện, Hiền lại vùi đầu vào học cho kịp bạn bè. “Học tín chỉ thì mình có thể xếp lịch học cho mình nhưng em cũng cố gắng theo lịch học của lớp để không bị ra trường muộn” – Hiền giải thích đầy quyết tâm. Với em, khi ra trường và đi làm, có bao nhiêu tiền em sẽ dành dụm hết để đưa cho mẹ. Em chưa dám nói sẽ nuôi được mẹ, nhưng em không thể để mẹ còng lưng nuôi mình nữa.
Thầy Tạ Văn Viễn, Phó chủ nhiệm khoa Giáo dục chính trị, Đại học Sư phạm Đà Nẵng bùi ngùi nói với tôi: “Mặc dù bệnh tật nhưng bản thân em Hiền  đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều trong học tập và là một sinh viên có phẩm chất đạo đức tốt. Chúng tôi mong sao có thêm những tấm lòng bác ái, những nhà hảo tâm, hiểu và chia sẻ thêm với hoàn cảnh rất đặc biệt này”.              
Bài, ảnh: Hồng Lam

Bình luận (0)