Chiếc bình chữa cháy trên xe buýt
|
Vừa qua, chiếc xe buýt 84 chạy tuyến Bến xe Chợ Lớn – thị trấn Tân Túc bỗng dưng… bốc cháy khi đang đậu ven đường Trịnh Như Khuê, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Rất may, không có thiệt hại về người nhưng xe bị hư hỏng nặng. Từ vụ việc này cho thấy, công tác phòng cháy chữa cháy trên xe buýt hiện còn nhiều nỗi lo.
Lửa chưa bén to… thì chưa lo dập!
Đã có thâm niên đi xe buýt 4 năm, thế mà Như Ngọc – sinh viên năm cuối Trường ĐH Sài Gòn vẫn chưa một lần có “may mắn” được nhìn thấy chiếc búa thoát hiểm. Như Ngọc chia sẻ: “Suốt mấy năm ĐH, đi đâu cũng sử dụng xe buýt thế mà mình chưa biết “mặt mũi” chiếc búa thoát hiểm trông như thế nào. Chỉ thấy ghi là có cửa thoát hiểm và búa thoát hiểm mà thôi”.
Cũng chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển, Thúy Hạnh – sinh viên năm 2 ĐH Hoa Sen lại phân tích: “Trên xe buýt chỉ có một cái bình chữa cháy mini, rủi mà sự cố cháy nổ xảy ra thì thử hỏi cái bình đó ăn thua gì, bằng cách nào dập được và thoát hiểm ra sao?”. Quang Hùng, sinh viên năm 4 ĐH Bách khoa TP.HCM băn khoăn: “Nhiều xe buýt đã rất cũ và xuống cấp, sự cố cháy nổ rất dễ xảy ra. Vậy mà nhìn vào cái bình chữa cháy mini đặt ở gần ghế tài xế, tôi tự hỏi nó sẽ hoạt động, đối phó thế nào với bà hỏa hay chỉ là để đó cho có?!?”.
Anh Lê Huy Hoàng – tài xế xe buýt mang biển số 53N439… chia sẻ rằng, anh lái xe 4 năm nay, việc duy nhất mà anh phải làm liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy đó là… “bảo quản chiếc bình chữa cháy” để không bị mất và mỗi khi hết hạn (6 tháng) thì thay. Còn việc sử dụng bình chữa cháy như thế nào thì anh không được dạy nhưng anh cam đoan “sẽ sử dụng được” vì đã từng “nhìn thấy người ta dùng rồi”. Giống anh Hoàng, anh Trần Sỹ Mạch – tài xế xe buýt mang biển số 53N360… lại thật thà nói: “Có bao giờ tôi được tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy đâu. Trong hợp đồng lao động tôi cũng không nhớ là có nhắc tới hay không…?”. Tài xế Lê Huy Hoàng còn kể rằng lúc được bàn giao xe mới thì có búa thoát hiểm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động thì đã bị lấy mất, và cũng không thấy sắm lại.
Chỉ đơn giản là phạt?
Về phía Doanh nghiệp Vận tải, đơn vị trực tiếp trang bị vật dụng và quản lý xe buýt khẳng định rằng có phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy đối với nhân viên, đặc biệt là tài xế. Anh Trần Nguyên Thái, Phó giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Vận tải TP.HCM cho biết: “Trên tất cả các xe buýt của công ty đều được trang bị đầy đủ bình chữa cháy đúng hạn sử dụng. Hàng năm, công ty có tổ chức đào tạo nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho nhân viên, trong đó có việc phổ biến, tập huấn về công tác đối phó với sự cố cháy nổ xảy ra trên xe buýt. Đặc biệt đối với các bác tài thì 6 tháng/ lần?!?”.
Trao đổi về vấn đề phòng cháy chữa cháy trên xe buýt, anh Vũ Thành Nhân – Trưởng phòng Kế hoạch của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết: “Trong hợp đồng ký kết giữa trung tâm và các doanh nghiệp vận tải thì luôn luôn có điều khoản yêu cầu lắp đặt bình chữa cháy trên xe buýt, đồng thời đảm bảo kiến thức phòng cháy chữa cháy đối với tài xế. Phía trung tâm cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra hạn sử dụng của bình chữa cháy, những vật dụng như búa thoát hiểm. Nếu tuyến xe của đơn vị nào vi phạm như để bình chữa cháy quá hạn sử dụng, thiếu vật dụng thoát hiểm thì chúng tôi sẽ phạt. Và phạt gấp 2, gấp 3 đối với những trường hợp tái vi phạm…”.
Xe buýt là loại hình phương tiện giao thông công cộng, có sự tham gia của rất nhiều người. Chính vì thế, nếu có sự cố cháy nổ xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Bài, ảnh: Đỗ Yến Hoa
Theo số liệu của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT TP.HCM), hiện thành phố có khoảng 3.000 xe buýt hoạt động trên 150 tuyến, phục vụ 6,5% nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. |
Bình luận (0)