Dù chưa thi ĐH nhưng con chị Nguyễn Minh Thanh nhận được rất nhiều giấy báo nhập học của các trường ở Hà Nội |
Trong lúc các thí sinh (TS) đang hồi hộp chờ điểm chuẩn thì nhiều trường cũng đang tranh thủ tìm cách để vợt TS vào học hệ trung cấp, hệ CĐ. Cách đây không lâu, Bộ GD-ĐT đã cấm các trường không được thông báo đỗ ĐH cho những TS không đăng ký dự thi vào trường mình.
Để lách luật, thay bằng giấy gọi nhập học thì các trường gửi giấy báo tập trung hoặc thông báo tuyển sinh. Dù rất muốn ấn nút “spam” giống trong hộp thư điện tử nhưng các phụ huynh không thể nào chặn được dòng thư ngày ngày đổ về gia đình mình.
Các trường “dội bom” TS
Có con thi ĐH năm 2014 nhưng con chưa thi, chị Nguyễn Minh Thanh đã nhận được giấy báo tập trung của một số trường ĐH, CĐ, TCCN. Từ cuối tháng 6, chị Thanh đã nhận được giấy báo tập trung của con vào Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội. Trong giấy thông báo ghi rất rõ con chị đủ điều kiện xét tuyển và nhập học vào hệ CĐ chính quy chuyển tiếp Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội với thời gian đào tạo 3,5 năm, sau khi tốt nghiệp được cấp bằng CĐ chính quy và được học liên thông lên ĐH các trường Thương mại, Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính… Chưa hết ngỡ ngàng thì những ngày sau đó, chị Thanh liên tiếp nhận được thư của các trường chuyển đến cho con. Nào là TC Kỹ thuật y dược Hà Nội, ĐH Công nghệ Đông Á cũng gửi giấy báo tập trung nhập học. Thậm chí Trường CĐ Hải Dương cũng gửi giấy báo tập trung lên cho con chị ở Hà Nội.
Cũng trong tình trạng này, chị Hoàng Thị Tình ở Nam Định năm nay cũng có con dự thi ĐH, dù chỉ được 10 điểm kể cả điểm cộng nhưng từ đầu tháng 7, mẹ con chị cũng đã “choáng” với các loại giấy báo của các trường. Không những bị “khủng bố” bằng thư, phụ huynh và học sinh còn bị “khủng bố” bằng điện thoại. Chị Thanh cho biết, chưa thi xong, con gái chị đã nhận được rất nhiều điện thoại của các trường gọi đến. Không những thế, con gái chị còn nhận được cuộc gọi tự xưng là giáo viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương (nơi con chị đăng ký thi đợt 3) mời học thêm để thi đỗ vào trường.
Cùng cảnh ngộ với chị Thanh còn có chị Minh Anh, Cầu Giấy, Hà Nội. Chị không hiểu thế nào mà các trường có thể gửi thư mời về đến tận phòng làm việc của chị. Từ ngày con chị tốt nghiệp THPT, điện thoại của chị nóng ran. Cáu quá, chị vặn lại một trường xem tại sao có số của mình thì được em đầu dây bên kia thỏ thẻ: Em xin tại trường cháu học ạ!?
Sẽ còn nhận nhiều
Đó là lời khẳng định của bác bưu tá khi tới đưa thư cho con chị Nguyễn Minh Thanh. Chị Thanh cũng chia sẻ thực ra gia đình chị và con gái cũng không quan tâm lắm đến những trường gửi thư mời nhập học. Bởi quan điểm của chị là những trường gửi thư này là những trường chất lượng không cao. Còn những trường có chất lượng nếu có gửi thư mời thì thường là những hệ liên kết, hệ TCCN hay cùng lắm là hệ CĐ chứ không bao giờ gửi thư mời đối với hệ ĐH chính quy. Chính vì vậy, nhận được thư xong là mẹ con chị bỏ thùng rác, cũng không quan tâm trong đó viết gì. Còn theo lý giải của chị Minh Anh thì liên quan đến vấn đề “cơm áo gạo tiền” của các trường nên các trường đều có nhiều cách để thu hút TS. Chị rất thông cảm điều này, nhất là các trường ngoài công lập, các trường CĐ, các trường TCCN luôn trong tình trạng thiếu nguồn tuyển. Tuy nhiên, chị cũng thấy bực mình vì bị các trường làm phiền một cách thái quá. Nếu chỉ gửi thư thì có lẽ phụ huynh, học sinh sẽ dễ chịu hơn là suốt ngày làm phiền qua điện thoại.
Những năm gần đây, tình hình loạn giấy báo mời học, nhập học và năm nay là giấy báo tập trung không còn là hiện tượng lạ. Điều này cho thấy, tình trạng khủng hoảng nguồn tuyển ở các trường ngoài công lập, các trường CĐ, TCCN tiếp tục diễn ra. Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép có 4 ngưỡng chất lượng tối thiểu, trong đó có 1 ngưỡng cho CĐ và 3 ngưỡng cho ĐH. Tuy nhiên, dư luận hoài nghi việc có 4 hay 5 ngưỡng vẫn không giải quyết được bài toán thu hút người học đối với những trường tốp dưới và những hệ đào tạo dưới ĐH. Cách tốt nhất để thu hút người học có lẽ vẫn chính là chất lượng của các trường, thay đổi chính sách tuyển dụng ở một số địa phương.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)