Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Kết thúc mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: “3 chung” không còn hợp thời?

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 kết thúc trong lặng lẽ với sự thất vọng của hàng chục trường ĐH, CĐ không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ tiếp tục cho rằng, phương thức thi “3 chung” đã không còn hợp thời, Bộ GDĐT cần nhanh chóng thay đổi quan niệm cho phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. 

“3 chung” trên danh nghĩa?
Tuyển thiếu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chỉ tiêu dù đã thông báo tuyển đến NV3 là tình cảnh chung của nhiều trường như ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), ĐH Quảng Nam, ĐH Phú Yên, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), ĐH Đà Lạt, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế… và hàng loạt trường ngoài công lập khác.
Các ý kiến cho rằng việc không tuyển được thí sinh (TS) là do chất lượng đào tạo, uy tín của nhà trường dường như đã bớt thuyết phục khi trong danh sách tuyển NV3 có cả những trường, những ngành lâu nay thuộc diện danh tiếng như ĐH Y Hải Phòng, ĐH Huế… Nguyên nhân cơ bản, theo lãnh đạo các trường: Đây là hệ lụy của việc tuyển sinh “3 chung”.
Một chủ trương đã được triển khai liên tục 10 năm nay, đã được không ít lãnh đạo ngành cho rằng “hợp lý – đúng đắn” thì cũng khó lòng “phê phán” – lãnh đạo một trường ĐH lớn tại TPHCM đã đưa ra quan điểm. Theo vị lãnh đạo này, qua thời gian, “3 chung” đã không còn hợp thời. Khi nào còn “3 chung” thì khi đó việc quyền tự chủ của các trường trong việc tuyển sinh vẫn còn bị hạn chế.
Cụ thể, một cán bộ phụ trách tuyển sinh thuộc hàng “lão làng” của Trường CĐ Công nghệ thông tin phân tích: “Thời gian thực hiện tuyển sinh bằng xét tuyển, rất nhiều trường CĐ rơi vào tình trạng bị động vì TS đua nhau nộp hồ sơ hết trường này rồi lại trường khác, tình trạng TS ảo khiến nhiều cán bộ tuyển sinh “điên đầu”. Không chỉ thế, hệ quả của việc này còn là tình trạng các trường không thuộc hàng “top” phải liên tục hạ chuẩn và chất lượng tuyển vì thế ngày càng có chiều hướng giảm.
Có bao nhiêu đào tạo bấy nhiêu

Cũng theo sự phân tích của cán bộ tuyển sinh này, kết quả tuyển sinh năm 2011 vừa  qua cũng cho thấy, những trường tốp trên chỉ thông báo tuyển sinh một lần duy nhất với NV1 và NV1B (một cách biến tướng của NV2) là cho SV vào nhập học luôn vì đã đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, cũng trong hệ thống công lập, không ít trường hợp đến NV3 cũng chẳng đủ chỉ tiêu. Trước cũng thiếu – sau cũng thiếu, đã có trường quyết định dừng “cuộc chơi” sớm để không phí sức và chấp nhận sau NV2 có bao nhiêu đào tạo bấy nhiêu, hoặc đóng cửa ngành đào tạo tạm thời.
Còn với những trường ĐH ngoài công lập, nhất là các trường “sinh sau đẻ muộn”, mùa tuyển sinh nào cũng  phải rơi vào tình trạng hồi hộp lo lắng chờ điểm sàn của bộ; rồi lại tiếp tục ngồi chờ góp nhặt từng hồ sơ TS, xét tuyển và tiếp tục chờ xem TS có đến học theo thư mời hay không (hay lại là TS ảo). Vận hành qua 3 NV, đến khi TS vào các trường dân lập tốp dưới thì chất lượng đương nhiên không bằng những trường công lập. Và đó cũng là một trong những lý do khiến đầu ra của các trường dân lập không cao – một thành viên của ban tuyển sinh trường VH đưa ra ý kiến.
Ông Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội – cho rằng, ngành giáo dục – mà cụ thể là lãnh đạo Bộ GDĐT – phải chấp nhận xu hướng thế giới là sự phân tầng: “Việc hạn chế nhu cầu của xã hội – ở đây là hạn chế bằng điểm sàn – là không đúng quy luật, vì nguồn nhân lực cũng tùy thuộc vào các thang bậc khác nhau của xã hội. Nên để các trường tự đối mặt với nhu cầu xã hội và khẳng định với xã hội bằng chất lượng đầu ra, như vậy không sợ không có người vào học nữa. Như vậy có cạnh tranh lành mạnh giữa các trường; nếu chưa chấp nhận phân tầng thì sẽ còn lúng túng trong việc chỉ đạo cũng như điều hành tuyển sinh”.   
 
Theo T.Uyên – N.Anh
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)